Ngành lâm nghiệp dự báo xuất khẩu lâm sản cả năm đạt khoảng 12 tỷ USD. Ảnh: TTXVN |
Thông tin về sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Điển cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, dù thị trường thế giới có nhiều khó khăn như vậy, nhưng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019, ước cả năm đạt 11 - 12 tỷ USD.
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 8,8% so cùng kỳ 2019. Dự báo giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tương đương năm 2019.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, trị giá hàng xuất khẩu vẫn tăng 2,7% góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, ngành lâm nghiệp phải hoàn thành mục tiêu đạt không dưới 12 tỷ USD giá trị xuất khẩu lâm sản để bù đắp vào những phần sụt giảm ở những lĩnh vực khác.
Ngành lâm nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 2,1% (cùng kỳ năm ngoái gần 3,2%). Tính đến ngày 30/6/2020, cả nước đã trồng hơn 106 ngàn ha rừng tập trung, đạt hơn 48% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm đạt khoảng 220 ngàn ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 85%. Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền đã thu được gần 860 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch thu năm 2020, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm 2020 thu đạt 2.800 tỷ đồng. |
6 tháng đầu năm 2020, ngành lâm nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Cùng với đó, tình hình hạn hán, nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt đã xảy ra một số vụ cháy rừng và với dự báo còn nhiều đợt nắng nóng cực đoan, nguy cơ cháy rừng vẫn còn gia tăng. Trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp phải đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng, không để cháy rừng lớn xảy ra. Đối với vấn đề bảo vệ rừng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, điểm nhấn quan trọng nhất là công tác phòng, chống chặt phá rừng. Mặc dù số liệu báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy sự tiến bộ, nhưng tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên vẫn khá nhức nhối.
Thứ trưởng đánh giá, về xuất khẩu năm nay, ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, điểm đáng chú ý là một số sản phẩm của ngành lâm nghiệp đã phải chịu rào cản thương mại, đối mặt những vụ kiện về chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế. Đến nay, một số nước đã có kết luận, một số thị trường lớn đang tiếp tục điều tra, vì thế đánh giá về chế biến, xuất khẩu lâm sản năm nay không đơn thuần như những năm trước.
Để hoàn thành tốt mục tiêu đạt tối đa giá trị xuất khẩu lâm sản, đại diện ngành NN&PTNT yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục tập trung, nhìn rõ dư địa lĩnh vực còn khai thác được để đẩy mạnh khai thác, đồng thời cũng phải nhìn rõ cả những hạn chế yếu kém để kịp thời khắc phục để duy trì được đà tăng trưởng.
Thời gian tới toàn ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng phải tập trung vào giải quyết vấn đề thị trường. Bởi nếu mất thị trường quốc tế, xuất khẩu lâm sản sẽ sụt giảm ngay. Thời gian tới, ngành Lâm nghiệp phải tập trung giải quyết vấn đề này; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp cần triển khai tích cực Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nắm bắt đón cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); có chương trình để truy xuất nguồn gốc…