Xuất khẩu lâm sản chính 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,858 tỷ USD |
Theo Tổng Cục Lâm nghiệp, lũy kế giá trị xuất khẩu lâm sản chính 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,858 tỷ USD (tương đương 65,12% kế hoạch năm), tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm 23% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, giá trị xuất siêu của lâm sản chính 8 tháng ước đạt 4,392 tỷ USD; riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,096 tỷ USD. Dự báo, giá trị xuất khẩu lâm sản các tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các thị trường truyền thống của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong thời gian qua, phát triển trồng rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn được ngành lâm nghiệp coi là trọng tâm để phát triển và bổ trợ đắc lực cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Theo đó, ước tính diện tích khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc trong tháng 8 khoảng 24.000 ha, tương ứng sản lượng 1,75 triệu m3. Lũy kế 8 tháng đầu năm, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc ước đạt 12,3 triệu m3 (đạt 66,5 % kế hoạch năm 2018), tăng 4,8 % so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, tuy mùa vụ trồng rừng tập trung tại phía Bắc còn kéo dài đến hết tháng 9, nhưng tính đến ngày 27/08/2018, các địa phương tại miền núi phía Bắc đã cơ bản hoàn thành diện tích trồng rừng, một số địa phương còn trồng rừng vượt kế hoạch đề ra.
Điển hình là tỉnh Thái Nguyên, năm 2018 kế hoạch của tỉnh là trồng mới 3.290ha rừng phòng hộ và sản xuất, nhưng đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 6.855ha, vượt kế hoạch 3.715ha. Tiếp đó là tỉnh Bắc Giang, kế hoạch năm 2018 toàn tỉnh có kế hoạch trồng 5.000ha rừng, nhưng khi triển khai đã trồng vượt hơn 1.500ha nâng diện tích trồng mới rừng phòng hộ và sản xuất của tỉnh lên tới 6.597ha. Các tỉnh còn lại như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Ninh và Lạng Sơn… cơ bản đều hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2018.
Hiện, cả nước đã trồng được 130.858 ha rừng sản xuất. Trong đó, diện tích rừng trồng mới là 37.104 ha, trồng lại sau khai thác là 93.672 ha, đạt 67% kế hoạch năm 2018 và bằng 104,5 % so với cùng kỳ năm 2017. Thời gian tới, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn tiếp tục trồng rừng theo thời vụ và kế hoạch năm 2018, các tỉnh Nam Trung Bộ cũng đang bắt đầu vào mùa vụ trồng rừng. Việc các địa phương tích cực, chủ động trong công tác trồng rừng đã chứng tỏ sự thay đổi trong tư duy về lợi ích của việc trồng rừng và phát triển kinh tế rừng của người dân cũng như chính quyền các địa phương.