Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: ITPC đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, hỗ trợ cộng đồng DN phát triển mới chuỗi cung ứng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp cận các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại ở trong và ngoài nước...
Với mục tiêu tăng danh mục sản phẩm Việt Nam được bày bán tại các hệ thống phân phối hiện đại tại Nhật Bản, ITPC đã phối hợp cùng AEON Việt Nam thực hiện chương trình kết nối tới cộng đồng DN những kiến thức về nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản, quy trình lựa chọn nhà cung cấp cho nhãn hàng, các tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại của Nhật.
Ông Nishitohghe Yasuo - Tổng giám đốc AEON Việt Nam - chia sẻ, với hệ thống phân phối rộng khắp, AEON sẽ là kênh kết nối quan trọng đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối hàng hóa Nhật Bản trong thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Trái vải thiều được bày bán tại siêu thị tại Nhật Bản |
Đến nay, thông qua việc mở rộng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản, AEON đã tổ chức phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn tại Việt Nam. Đồng thời, cùng với Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên triển khai hỗ trợ DN sản xuất hàng Việt, nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, hướng đến xuất khẩu.
Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống AEON năm đạt 381 triệu USD, trong đó 75% là hàng may mặc, tỷ trọng hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn còn thấp.
Để có thể đưa hàng vào hệ thống phân phối AEON nói riêng và hệ thống phân phối hiện đại của Nhật nói chung, theo bà Nguyễn Thị Duy Xuân - Giám đốc bộ phận Quản lý nhà cung cấp của AEON Việt Nam, nhà cung cấp hàng Việt cần đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với những yêu cầu cơ bản: Sản phẩm không được có điều tiếng về chất lượng; có đủ giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định của Việt Nam; điều kiện vận chuyển, thùng chứa sản phẩm phải phù hợp với yêu cầu của từng loại sản phẩm; sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc; kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm tiềm ẩn về vi sinh vật, kim loại nặng… theo quy định Việt Nam.
Bên cạnh đó, các DN hàng Việt muốn trở thành đối tác của AEON TOPVALU cho thị trường nội địa và khu vực Đông Nam Á cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện cơ bản và phải đáp ứng khả năng tiếp nhận đơn hàng, có định hướng sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng cho AEON, sản xuất theo hình thức gia công (OEM)...
Ông Tomoaki Fukui - Giám đốc cao cấp Bộ phận Sản phẩm AEON TOPVALU: Một số nội dung trong quy tắc ứng xử mà nhà cung ứng hàng hóa cần lưu ý gồm: Lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, an toàn vệ sinh và sức khỏe, tự do thương lượng tập thể, phân biệt đối xử; kỷ luật, thời gian làm việc, lương và phúc lợi, trách nhiệm quản lý, môi trường… |