Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang khu vực Tây Á Ngành Công Thương Đồng Tháp: Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất - xuất khẩu năm 2024 |
Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết: Bình Dương nằm trong nhóm những tỉnh thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước nên cũng là địa phương chịu tác động sâu rộng từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2023, xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng không ổn định, có xu hướng giảm dần trong giai đoạn từ giữa năm 2022 đến năm 2023, do thiếu đơn hàng xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2023 của tỉnh Bình Dương đạt gần 5,5 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022 |
Riêng năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Dương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn đối với ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh (gỗ, dệt may, da giày), nhiều nước gia tăng tiêu chuẩn, hàng rào mới đối với hàng nhập khẩu. Do đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, giảm 7%.
Một số thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu, truyền thống của Bình Dương tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của Bình Dương với tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt hơn 14,3 tỷ USD, chiếm 46,5% kim ngạch xuất khẩu và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kế tiếp thị trường châu Âu (EU) đạt gần 4 tỷ USD chiếm 12,9% và giảm 19,8%; Nhật Bản đạt hơn 2,3 tỷ USD, chiếm 7,5% và giảm 7,8%; Hàn Quốc đạt hơn 1,19 tỷ USD, chiếm 3,9% và giảm 8,5% và Trung Quốc xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, chiếm 5,3% và giảm 5,3%...
Đáng chú ý, nhiều ngành hàng chủ lực xuất khẩu của tỉnh Bình Dương giảm sâu như: Xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2023 đạt gần 5,5 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Dệt may xuất khẩu đạt hơn 2,78 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 9% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh; Giày da xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2022…
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu
Dự báo về tình hình thế giới và trong nước, phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong năm 2024 sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được năm 2023, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết, Sở đề ra một số chỉ tiêu cụ thể của ngành đặt ra trong năm 2024 như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% đến 14% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 9 - 10% so năm 2023.
Để đạt được mục tiêu này, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu năm 2024, Sở Công Thương tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ… cũng như thị trường của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như: CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam), UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh), RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực)… và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường qua các sàn thương mại điện tử Alibaba.com…
Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong nước, tìm kiếm hệ thống phân phối, mở rộng thị phần thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các hội chợ triển lãm trong cả nước cũng như các Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh các loại hình phân phối hiện đại trên hạ tầng thương mại điện tử. Qua đó, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả, kịp thời các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch “Hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng việc nắm tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc các doanh nghiệp đầu tư trong nước, hiệp hội ngành hàng để lắng nghe và lấy ý kiến các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... . Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phối hợp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.