Thứ sáu 09/05/2025 12:47

Xuất khẩu gạo: Thị trường thuận lợi nhưng thiếu vốn

Thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng, giá bán đều tăng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo rơi vào tình trạng “đói” vốn.

Xuất khẩu thuận lợi

Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh. Mới đây, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô hàng chất lượng cao trên 2.000 tấn qua thị trường Trung Quốc. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, sau nhiều tháng chững lại, hiện Trung Quốc và nhiều thị trường đang tăng cường mua gạo của Việt Nam.

“Sau đơn hàng này, công ty tiếp tục đàm phán tiếp lô hàng khoảng 20.000 tấn sang Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines, Indonesia, Malaysia và các nước Trung Đông cũng đang có tín hiệu muốn nhập hàng”, ông Phạm Thái Bình cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết nhờ việc các quốc gia tăng dự trữ lương thực, doanh nghiệp đang có khá nhiều đơn hàng với cả đối tác cũ và mới. Tuy nhiên Phước Thành chủ yếu giao hàng cho các khách truyền thống, khách mới sẽ hạn chế hơn vì thời điểm chính vụ Đông Xuân này, lượng hàng dồi dào, giá xuất khẩu sẽ không cao như kỳ vọng.

“Chúng tôi đã tạm trữ trong kho khoảng 15.000 – 18.000 tấn gạo, chờ đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi vào vụ Hè Thu, chúng tôi sẽ bán ra với giá tốt hơn. Động thái gom hàng này dựa trên tình hình nhu cầu của các thị trường, đơn hàng tương lai và khả năng kiểm soát rủi ro giá cả, chi phí…”, ông Thành nói.

Thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi trong những tháng đầu năm 2023

Số liệu thống kê từ Tổng Cục hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/5, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,3 triệu tấn, thu về hơn 1,7 tỷ USD, tăng 37,4% về lượng và 48,4 % về giá trị.

Ông Trần Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định, nhìn chung hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý II/2023 rất thuận lợi, bởi nhu cầu dự trữ lương thực vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

“Hiện tại trong quý 2, hợp đồng với các doanh nghiệp đã ký cũng đã đầy đủ. Nhận định cho xuất khẩu trong quý 2 và trong cả năm 2023 đang rất thuận lợi”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhìn nhận.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo ra thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Mặt khác, gạo Việt Nam cũng có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào một số thị trường lớn. Đơn cử như châu Phi với mức tiêu thụ hàng năm lên đến 42 triệu tấn nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được sang 2,43 triệu tấn, hay thị trường EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80 nghìn tấn miễn thuế 175 Euro/tấn…

Doanh nghiệp lo thiếu vốn

Mặc dù thị trường xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi, song hiện nay các doanh nghiệp lại đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để thu mua nguyên liệu. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An bày tỏ lo lắng về nguồn tín dụng để thu mua lúa trong vụ Hè Thu sắp tới.

Theo ông Bình, đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, cái khó nhất hiện nay là khi vào mùa vụ thu mua lúa cần một lượng tiền lớn. Với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, doanh nghiệp sẽ cần khoảng vài tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian sắp tới vụ hè Thu sẽ bước vào thu hoạch rộ. Do đó, doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn để thu mua lúa cho nông dân. Chính vì vậy, kênh tài trợ của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết là rất cần thiết.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại về nguồn vốn để thu mua lúa cho người dân trong vụ hè thu

Cùng chung nỗi trăn trở, ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhựt so sánh, tình hình doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo giống như “cơm dọn sẵn lên bàn mà không được ăn” bởi không có tiền.

“Thu mua 10 nghìn tấn gạo cần khoảng 150 - 200 tỷ đồng, vậy nếu thu mua 1 triệu tấn thì làm sao đủ tiền”, ông Nhựt bày tỏ. Đồng thời đề xuất cần ban hành chính sách cho doanh nghiệp được tín chấp hoàn toàn khi đến vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, vốn tín dụng hiện là vấn đề đang được các thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm nhất hiện nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, tại những thời điểm thu hoạch chính vụ (tháng 2,3,4,7,8,10 hàng năm), công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.

Trước tình hình khó khăn như trên, ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tạo điều kiện cho thương nhân có thêm nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ, góp phần ổn định giá lúa đầu ra cho bà con nông dân trong thời gian thu hoạch chính vụ, đồng thời góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, cần tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ đồng thời tiếp tục hướng dẫn các thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp một cách hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ các thương nhân thu mua tạm trữ kịp thời, ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng cần có phương án ổn định lãi suất trong những kỳ hạn nhất định hoặc có chính sách điều tiết riêng đối với các doanh nghiệp thuộc mảng nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gạo nói riêng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và bền vững.

Hà Duyên
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo sớm: ‘Lá chắn’ bảo vệ hàng Việt xuất khẩu

Thức tỉnh ‘giấc mơ’ thương hiệu: Câu chuyện đặc biệt từ một gói cà phê

Giải 'cơn khát' nhân lực trong thương mại điện tử

VPPE 2025: Thúc đẩy phát triển công nghệ xanh ngành bao bì

Hà Giang: Dòng chảy số gỡ 'nút thắt' hàng hóa nông sản cho người dân

Dự án Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương xây dựng được đánh giá cao

Xúc tiến thương mại: Đa dạng ‘kênh’ mở rộng thị trường

Chất lượng tốt, cà phê Robusta Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng

Hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã miền Bắc: Kết nối và lan toả

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng/2025 tăng 15,7% so với cùng kỳ

Chủ động thích ứng, doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu hàng hóa

Hà Nội: Xuất khẩu hàng hóa đạt 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025

Thương mại điện tử nội địa cần làm gì để không bị “lép vế”?

Hợp tác Việt Nam - Kazakhstan: Mở lối sang ngành công nghiệp nền tảng, giá trị cao

Xuất khẩu tăng, ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 5,1 tỷ USD

Bộ Công Thương sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa và giấy chứng nhận C/O

Infographic | Xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt 545,5 triệu USD trong quý 1/2025

Từ 5/5/2025, cấp C/O không ưu đãi, CNM và đăng ký mã số REX chuyển về Bộ Công Thương

Giải mã nguyên nhân khiến giá dừa xuất khẩu lập đỉnh

EC lùi thời gian thanh tra 'thẻ vàng' IUU đến cuối năm