Nhu cầu gạo dự báo sẽ tăng trở lại |
Tín hiệu lạc quan
Lượng gạo xuất khẩu tháng 9/2015 ước đạt 500 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD. Tính chung 9 tháng, mặt hàng này đã XK khoảng 4,5 triệu tấn, tương ứng giá trị 1,95 tỷ USD, bằng 91,3% về khối lượng và 85,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - nguyên nhân sụt giảm kim ngạch XK gạo là do nhu cầu của các nước Đông Nam Á “lao dốc” mạnh, trong khi đây là những thị trường chủ chốt. Một số thị trường mới như châu Phi tăng trưởng tốt nhưng cũng không bù nổi sự suy giảm từ khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, từ nay đến hết năm, nhu cầu của các thị trường truyền thống sẽ tăng trở lại. Tình hình tiêu thụ lúa gạo từ vụ đông xuân tới quý I/2016 sẽ khả quan. Bên cạnh đó, việc trúng thầu 450 nghìn tấn gạo cho Philippines (cung ứng trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016) sẽ tác động tích cực đến thị trường gạo niên vụ tới.
Ông Huỳnh Minh Huệ dự báo: Những tháng tới, các doanh nghiệp có thể ký các hợp đồng thương mại mới, đặc biệt với Trung Quốc.
Cân đối bài toán cung – cầu
Dù lạc quan về tình hình tiêu thụ nhưng ông Huỳnh Minh Huệ cho rằng, nhiều hợp đồng lớn được ký kết sẽ ảnh hưởng tới cân đối cung - cầu gạo. Cụ thể: Thu hoạch vụ thu đông đã xong, hàng hóa không còn nhiều. Tháng 12/2015 và tháng 1/2016, Việt Nam không thu hoạch hoặc thu hoạch rất ít. Lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp và trong dân chỉ khoảng 1,5 triệu tấn.
Thực tế, lượng gạo phải cung cấp theo các hợp đồng thương mại đã ký là 1,3 triệu tấn; hợp đồng tập trung là 1,5 triệu tấn. Do vậy, quý IV/2015 và quý I/2016 nguồn cung sẽ bị căng thẳng.
Dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng. Do đó, các địa phương và doanh nghiệp cần rà soát lại tình hình cung cấp gạo để đáp ứng nhu cầu XK.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị: VFA phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành… để điều hành hoạt động XK gạo một cách kịp thời.
Hiện tại, gạo Việt Nam vẫn trông chờ chủ yếu vào các thị trường truyền thống và thị trường tập trung. Nếu hai thị trường này sụt giảm, XK gạo của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Do đó, VFA cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để cơ cấu lại sản xuất theo chiến lược quốc gia, phát huy năng lực doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm, cả nước đã XK được khoảng 4,5 triệu tấn gạo, tương ứng giá trị 1,95 tỷ USD. |
TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam rộng cửa xuất khẩu gạo nhờ các FTA |