Xuất khẩu giảm mạnh
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt 1,28 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt gần 570 triệu USD, giảm 18,1% về lượng và 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù số liệu xuất khẩu gạo trong quý I/2017 có giảm so với cùng kỳ 2016, nhưng kết quả này cũng tương đối khá so với các năm trước đó. Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt được chủ yếu là nhờ các hợp đồng thương mại xuất sang Philippines, Trung Quốc và châu Phi. Đây cũng là 3 thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay, góp phần giúp tình hình giá cả lúa gạo nội địa trong vụ Đông Xuân luôn duy trì ổn định ở mức khá cao.
Thống kê của VFA cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu 1,8 triệu tấn; trong đó, chỉ có 400.000 tấn là hợp đồng tập trung cung cấp cho Cuba, còn lại là các hợp đồng thương mại chiếm đến gần 73%. Cho đến ngày 28/2, hợp đồng còn lại chưa giao hàng là trên 1,1 triệu tấn. Dù xuất khẩu giảm nhưng riêng thị trường Trung Quốc, Philippines lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng mạnh, lần lượt tăng 51,3% và 53,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cũng cho biết, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp trong quý I gặp nhiều thuận lợi là nhờ các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Tập đoàn Intimex là một trong 22 doanh nghiệp được phép nhập khẩu gạo vào Trung Quốc theo yêu cầu của Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Còn các doanh nghiệp không nằm trong danh sách này cũng khá “chật vật” khi tìm kiếm thị trường.
Riêng thị trường Philippines, xuất khẩu gạo sang nước này trong 2 tháng đầu năm đạt 206.000 tấn và 78 triệu USD, tăng 53,7% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Phần lớn sản lượng xuất khẩu sang Philippines nằm trong hợp đồng thỏa thuận giữa các doanh nghiệp Philippines với Chính phủ nước này trước đó. Cụ thể, Cơ quan Lương thực nước này cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017. Đến ngày 28/2, các doanh nghiệp đã hoàn tất việc giao hàng theo hợp đồng này.
Các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống khác của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đều có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh. Đơn cử như Ghana giảm tới 63,5% so với cùng kỳ năm 2016, Malaysia (43,1%), Singapore (34,9%), Bờ Biển Ngà (15,1%)...
Vẫn khó nắm bắt tín hiệu thị trường
Theo các doanh nghiệp, điểm bất thường nhất trong quý I/2017 là giá trong nước ngay thời điểm thu hoạch vụ Đông Xuân đã tăng “vọt” lên cao quá. Hầu hết những doanh nghiệp “đón gió” ký hợp đồng trước khi vào vụ Đông Xuân đều trong tình trạng bị thua lỗ.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, thông thường, trước khi vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp sẽ định hướng thị trường, canh thời điểm vào vụ và ký hợp đồng “đón gió” để khi vào chính vụ thu hoạch rộ, giá lúa gạo nội địa giảm thì bắt đầu mua vào. Thế nhưng, năm nay tình hình lại ngược lại, trong suốt vụ Đông Xuân, giá lúa gạo nội địa luôn được duy trì ở mức quá cao, cao hơn cả giá bán xuất khẩu đã khiến những doanh nghiệp ký hợp đồng trước đó đều bị thua lỗ.
“Khi giá nội địa bị đẩy lên quá cao, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung ứng trước đó đã không kịp xoay sở mua kịp hàng, dẫn đến việc giao hàng không đúng hẹn. Thậm chí, một số hợp đồng bị thua lỗ nên có doanh nghiệp không chịu giao hàng như hợp đồng đã ký trước đó,” ông Đỗ Hà Nam , Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Intimex cho biết thêm.
Không những vậy, giá nội địa tăng cao cũng kéo theo giá bán xuất khẩu của doanh nghiệp tăng lên, cao hơn cả giá bán của Thái Lan và Ấn Độ từ 10-15USD/tấn. Dĩ nhiên, với cùng phân khúc thị trường, nếu giá gạo của Việt Nam có giá “nhỉnh” hơn so với 2 đối thủ này thì gạo Việt khó có thể cạnh tranh được.
Tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng hay mua vào nguyên liệu. Như Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty này cho biết, từ cuối tháng 2 đến ngày 20/3, công ty hầu như “nằm im” chờ tín hiệu thị trường, không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu nào. Bởi với mức giá chào bán cao hơn cả Thái Lan, Ấn Độ sẽ không có đối tác nào mua; còn chào bán thấp hơn thì doanh nghiệp lại lỗ, không đủ bù đắp chi phí mua nguyên liệu và vận chuyển.
Với tình hình này, một số doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng, kinh doanh lúa gạo hiện nay giống như “đánh bạc,” không định hướng trước được mà dường như chỉ trông chờ vào “hên xui.” Nói về khả năng thị trường trong thời gian tới, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, rất khó nhận định, vẫn phải chờ tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, về xu hướng chung, xuất khẩu gạo có thể sẽ gặp thuận lợi hơn trong quý 3 và 4 khi Thái Lan đã xả hết kho dự trữ./.