Mía nguyên liệu sản xuất đường ở Nhà máy đường An Khê - Gia Lai |
Thị trường hạn hẹp
Báo cáo rà soát phát triển mía đường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới công bố cho thấy, tồn kho ở các nhà máy (không tính các doanh nghiệp thương mại trung gian) trong 10 năm lại đây có tốc độ tăng trưởng rất cao, bình quân 25,5%/năm (2005-2014). Niên vụ 2015-2016, tồn kho chuyển vụ (tính đến 15/8/2016) là 204.275 tấn, gấp khoảng 8-9 lần so với năm 2005.
Nguyên nhân đường tồn kho tăng cao ngoài việc do suy thoái kinh tế, mất cân đối cung-cầu… còn do quản lý sản phẩm, dự báo thị trường của nhiều doanh nghiệp đường yếu kém và chưa sát thực tế. Trong giai đoạn 2007-2011, khi giá đường tăng, một số nhà máy cho tăng tồn kho chờ giá cao để thu tối đa lợi nhuận. Đến giai đoạn 2011-2015 giá đường liên tục giảm, lượng đường tồn kho toàn ngành vẫn tăng nhanh, một số nhà máy tăng đường tồn kho đã kinh doanh thua lỗ.
Trung du miền núi phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ là hai vùng trọng điểm sản xuất đường của cả nước, trước đây sản xuất không đủ tiêu thụ, nhưng tồn kho đã tăng nhanh bình quân khoảng 16%/năm và trên 26%/năm trong 5 năm lại đây (2011-2015). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, với tốc độ tồn kho duy trì như trên trong thời gian tới thì các nhà máy đường hai khu vực này có thể phải tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng.
Trước thực trạng đường tồn kho tăng cao, để cân bằng cung - cầu và hỗ trợ ngành đường giảm tồn kho, từ năm 2014 Bộ Công Thương đã cho phép xuất khẩu tiểu ngạch đường sang Trung Quốc (qua cửa khẩu phụ Bản Vược - Lào Cai) với khối lượng 475.000 tấn, nhưng tổng lượng đường xuất khẩu cả năm 2014 cũng mới chỉ đạt 196.500 tấn (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp, gián tiếp và tạm nhập tái xuất), trong đó lượng đường sản xuất trong nước xuất khẩu chỉ đạt trên 42.000 tấn. Thị trường Trung Quốc chiếm 94% lượng đường xuất khẩu, nhưng theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp không xuất khẩu được đường tiểu ngạch sang Trung Quốc do nước này siết chặt quản lý biên mậu.
Ngoài thị trường Trung Quốc, đường của Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang Singapore, Mỹ, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Arap… nhưng tỷ trọng và giá trị kim ngạch là không đáng kể và không thường xuyên.
Dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Phát triển mía đường đến 2020 - tầm nhìn 2030: "... Sản xuất đường đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2020 sản lượng đường đạt 2 triệu tấn (2015 là trên 1,2 triệu tấn), năm 2030 đạt 2,6 triệu tấn". |
Tăng cường giải pháp
Hai nguyên nhân chính khiến cho sản phẩm đường của Việt Nam đã và sẽ tiếp tục rất khó khăn để khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế là do giá đường thành phẩm Việt Nam cao khó cạnh tranh, thị trường xuất khẩu còn quá hạn hẹp (chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc).
Muốn xuất khẩu được sản phẩm đường khi sản lượng sản xuất trong nước dư thừa, trước tiên các doanh nghiệp ngành đường cần phải nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm…
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ ngành đường khai thông thị trường quốc tế. Theo đó, cần phải đánh giá chính xác tác động của hội nhập quốc tế đối với ngành mía đường Việt Nam, theo dõi chặt chẽ cung - cầu để đưa ra giải pháp điều hành sản xuất, tiêu thụ đường phù hợp. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đường liên kết xây dựng bạn hàng xuất khẩu chiến lược, xây dựng và quảng bá thương hiệu mía đường, nhãn mác hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại mía đường ở tầm quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu; đàm phán với các đối tác thương mại quốc gia giải quyết các vấn đề về tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật... trong hoạt động xuất khẩu đường...
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong thực hiện phối hợp giữa các nhà máy đường ở khâu tiêu thụ sản phẩm, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế.