Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, thực hiện chỉ thị của lãnh đạo Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã vận động và trực tiếp dẫn đoàn doanh nghiệp Pakistan tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” 2024 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 6/2024 vừa qua.
Bước ra từ chuỗi sự kiện, Tập đoàn siêu thị IMTIAZ của Pakistan đã nhập khẩu lô nước trái cây đầu tiên từ Việt Nam bao gồm: Nước xoài, dứa, vải, nho, táo, ổi.
Tập đoàn siêu thị IMTIAZ được thành lập từ năm 1955 là doanh nghiệp Pakistan tiên phong trong lĩnh vực siêu thị và hiện nay là chuỗi bán lẻ lớn nhất Pakistan với 27 siêu thị, bao trùm tất cả 12 thành phố lớn nhất Pakistan như: Karachi, Lahore, Islamabad, Peshawar, Quetta ... IMTIAZ hiện đang phân phối 52.000 sản phẩm, sở hữu hơn 10.000 thương hiệu.
Tập đoàn siêu thị IMTIAZ của Pakistan nhập khẩu lô nước trái cây đầu tiên từ Việt Nam |
“Có thể nói, được phân phối qua các siêu thị IMTIAZ luôn là niềm tự hào đối với bất kỳ sản phẩm nào và là sự đảm bảo chắc chắn cho một thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 240 triệu người tiêu dùng” - Tham thán Thương mại Việt Nam tại thị trường Pakistan đánh giá và nhấn mạnh, việc Việt Nam xuất khẩu được nước trái cây vào "đế chế" trái cây Pakistan là một thành quả đáng tự hào và có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển cơ cấu hàng xuất khẩu sang các mặt hàng chế biến sâu có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, tạo đầu ra cho các mặt hàng nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Thông tin rõ hơn, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, Pakistan là một trong các "đế chế" xoài của toàn cầu, đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu xoài.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành công nghiệp chế biến xoài tại Pakistan đã phát triển từ lâu với sự tham gia đầu tư của các thương hiệu nước trái cây hàng đầu thế giới như Nestle. Với bốn vùng khí hậu trải dài từ Bắc xuống Nam, Pakistan không chỉ là “đế chế” xoài mà còn có nhiều loại trái cây phong phú có sản lượng thương mại cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến như: táo, nho, đào, lựu, ổi.... Vì vậy, Pakistan cũng là nước xuất khẩu trái cây lớn, đứng thứ 25 trên thế giới.
Dư địa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Pakistan còn rất lớn. Ảnh minh họa |
Cũng theo thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại thị trường này, 7 tháng năm 2024 xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 269 triệu USD, tăng 25,2 % so với cùng kỳ năm trước.
Dư địa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường còn rất lớn khi Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. từ các mặt hàng nông sản truyền thống như: chè, hạt tiêu, hạt điều, philê cá tra... đến các mặt hàng tiêu dùng như: quần áo, giày dép... hay các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như: điện thoại di động, máy giặt, máy in...
Không chỉ vậy, Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động...
Dù vậy, cơ hội luôn song hành cùng thách thức, Pakistan là thị trường đang phát triển, khách hàng rất nhạy cảm với yếu tố giá, hàng xuất khẩu phải có giá rẻ mới có nhu cầu cao. Ngoài ra, hạ tầng thương mại của Pakistan còn lạc hậu, các hội chợ, triển lãm, mang lại hiệu quả thấp. Thương mại điện tử mới đang bắt đầu phát triển. Doanh nghiệp nhập khẩu còn nặng tính gia đình, bộ tộc...
Thời gian qua, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã thường xuyên vận động và hỗ trợ doanh nghiệp Pakistan sang Việt Nam tham gia và tham quan các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm đối tác, bạn hàng.
Cùng với đó, Thương vụ cũng thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp Pakistan tháo gỡ khó khăn trong việc xin visa đi Việt Nam nhất là các khách hàng truyền thống được các tổ chức, hiệp hội và đại sứ quán bảo lãnh.
Trong thời gian tới, để hợp tác thương mại song phương Việt Nam - Pakistan tăng trưởng tích cực hơn nữa, Thương vụ khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phát triển sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của khách hàng; thận tọng xác minh thông tin khách hàng để tránh rủi ro thương mại.