Nâng cao chất lượng và cải thiện mẫu mã là cách tiếp cận thị trường EU hiệu quả nhất |
Thị trường tiềm năng
Bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt gần 741,8 triệu USD. Dự báo năm 2017, tình hình xuất khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ vào EU sẽ khả quan hơn bởi Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực vào năm 2018. Bên cạnh đó, do tác động tích cực từ Hiệp định VPA/FLEGT đã được Việt Nam và Liên minh châu Âu ký tắt vào tháng 5/2017.
Theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), 5 tháng đầu năm, toàn ngành gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu 2,9 tỷ USD. EU chiếm khoảng 10% nhưng có tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Bà Miriam Garcia Ferrer - Tham tán thứ nhất, Phó trưởng Ban Kinh tế thương mại, đại diện pPhái đoàn EU tại Việt Nam – cho rằng, Hiệp định EVFTA cùng Hiệp định VPA/FLEGT sẽ tạo điều kiện tốt cho đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Tính đến thời điểm hiện tại, trong các nước Asean chỉ có Việt Nam và Singapore ký kết hiệp định thương mại với EU nên đối thủ cạnh tranh không quá nhiều. Ngoài ra, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, khi EVFTA có hiệu lực, thuế đối với sản phẩm đồ gỗ giảm từ 0 - 10%, sản phẩm nội thất giảm từ 2,7 - 5,7% cũng là thuận lợi đáng kể.
Việc tuân thủ các quy trình về kiểm soát chất lượng sản phẩm và các yêu cầu mang tính xã hội sẽ giúp DN hoạt động một cách hệ thống, hiệu quả và kết quả nhận được chính là đơn hàng xuất khẩu của khách hàng. |
“Thời gian tới, các hoạt động thương mại giữa Việt Nam - EU sẽ tăng lên gấp đôi. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) Việt cần triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại chứ không cần đợi đến khi hiệp định thương mại có hiệu lực mới bắt tay kết nối” - bà Miriam Garcia Ferrer khuyến nghị.
Tận dụng cơ hội
Dù là thị trường khá tiềm năng nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU rất cao và DN Việt phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bà Bùi Thị Việt Anh - đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - cho biết, ngoài thuận lợi về thuế quan giảm, EU sẽ yêu cầu DN xuất khẩu phải đáp ứng mã hàng hóa, chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm gỗ hợp pháp. Như vậy, DN Việt sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước EU với chi phí cao hơn thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia hay Trung Quốc như hiện nay.
Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hawa, EU là thị trường lớn cho đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ. Hiện tại, đồ gỗ xuất khẩu vào EU chưa nhiều, chỉ tương đương với Hàn Quốc nhưng nếu DN vào được EU, đồng nghĩa tiếp cận được các thị trường khác.
Ông Gellert Horvath - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) - chia sẻ: Trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 741,8 triệu USD năm 2016, DN FDI chiếm tới 60%. Hy vọng, thời gian tới, sản phẩm đồ gỗ Việt Nam, đặc biệt của DN nội địa sẽ thâm nhập thị trường này tốt hơn. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu, DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển bền vững; không ngừng nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các DN Việt Nam nên chú ý nhiều hơn trong thiết kế, sản xuất sản phẩm có tính độc đáo, thú vị và mang bản sắc riêng. Ngoài ra, phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu sản xuất. Khi sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này, “cánh cửa” vào thị trường EU sẽ mở rộng hơn cho DN Việt.