CôngThương - Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch XK của ngành da giày đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kì năm 2013. Trong đó, kim ngạch XK sản phẩm túi xách, vali, ô dù, mũ đạt 821 triệu USD tăng trên 48%.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tình hình XK sang các thị trường, nhất là thị trường truyền thống của ngành da giày cũng rất khả quan.
Trong 3 tháng đầu năm kim ngạch XK của ngành sang thị trường Mỹ đã tăng 23,6%, đạt trên 674 triệu USD; thị trường Nhật Bản tăng 40,1%, đạt trên 142 triệu USD; thị trường Bỉ tăng 37,2%, đạt trên 144 triệu USD; thị trường Đức tăng 28%, đạt trên 107 triệu USD; thị trường Pháp tăng 31,5%, đạt trên 48,4 triệu USD…
Đáng chú ý là kim ngạch XK sang một số thị trường nhỏ, thị trường ngách của ngành da giày đã tăng đột biến. Điển hình, thị trường Chile tăng gần 81%, đạt 17,2 triệu USD; thị trường Israel tăng trên 120%, đạt 7,3 triệu USD; thị trường Hy Lạp tăng trên 78%, đạt 5,1 triệu USD; thị trường Ba Lan tăng trên 162%, đạt 5,5 triệu USD…
Theo nhận định của các DN, sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch XK của ngành da giày trong những tháng đầu năm có sự hậu thuẫn lớn từ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà Liên minh châu Âu (EU) đã dành cho Việt Nam. Bên cạnh đó thị trường EU, Mỹ có nhiều khởi sắc do tình hình kinh tế đã bắt đầu ổn định. Ngoài ra với lợi thế ổn định về chính trị, lao động, chất lượng hàng hóa, Việt Nam đã và đang thu hút được rất nhiều đơn hàng từ các thị trường khác chuyển qua.
Đến thời điểm hiện tại đa số DN đã có đơn hàng đến hết tháng tháng 6, tháng 7, trong đó có nhiều DN đã có đơn hàng đến tháng 8, tháng 9 -2014.
Tuy nhiên, nhận định về tăng trưởng kim ngạch XK của ngành da giày, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư kí Hội Da giày TP.HCM cho rằng, tăng trưởng XK của ngành da giày trên thực tế chỉ tốt trên hình thức vì đơn giá gia công của ngành da giày rất thấp do các nhà NK gần như đã tính “lợi nhuận chuẩn” cho các DN gia công chỉ chiếm khoảng từ 7 -8% (trước đây là 10%) trên giá trị của mỗi đôi giày XK. Do vậy nếu gặp rủi ro thấp thì các DN còn có thể vượt qua nhưng nếu gặp rủi ro lớn do chi phí đầu vào tăng quá cao thì DN sẽ không thể vượt qua được.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Khánh, trong thời gian qua, giá xăng, dầu, điện nước đều được điều chỉnh tăng kéo theo giá hàng loạt nguyên phụ liệu tăng theo. Chỉ cần chi phí đầu vào tăng khoảng 3-4% thì DN da giày đã bắt đầu “tê liệt”.
Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Công ty Giày Gia Định cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành da giày vẫn là đơn giá không tăng theo đơn hàng xuất khẩu, trong khi đó chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển xuất khẩu. Do vậy, mặc dù đơn hàng nhiều, DN làm không hết việc nhưng lợi nhuận của DN lại không tăng thậm chí có xu hướng giảm.
Theo nhận định của Hiệp hội Da giày –Túi xách Việt Nam, cơ hội tăng trưởng XK của ngành da giày trong năm 2014 là rất khả quan bởi ngoài những yếu tố thuận lợi về thị trường, ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các DN XK trong tương lai gần. Đồng thời, các sản phẩm da giày của Việt Nam cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường XK lớn như Mỹ, Nhật Bản và các thị trường thành viên khối TPP.
Để nắm bắt những cơ hội và tín hiệu tốt từ thị trường, theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, các DN trong ngành cần tăng cường đầu tư nâng cấp công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, phát triển thương hiệu nhằm tăng cả chất và lượng cho sản phẩm XK.