Xin bà cho biết tình hình tiêu thụ cá tra tại thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm nay?
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng với tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá tra chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn |
Tuy nhiên trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, với việc dần mở cửa lại các thị trường trên thế giới, các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN đã ghi nhận sự khôi phục. Theo đó, mức sụt giảm giá trị nhập khẩu tại các thị trường này đã bắt đầu chậm lại trong tháng 4/2020 và khôi phục 60 - 70% từ cuối tháng 5 cho đến những tuần gần đây.
Bà nhận định như thế nào về triển vọng của thị trường cá tra trong nửa cuối năm 2020.
Triển vọng thị trường cá tra nửa cuối năm phụ thuộc vào tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới. Chỉ khi đại địch được kiểm soát thì hoạt động kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới mới có thể khôi phục từ đó tình hình xuất khẩu cá tra mới có thể dần dần hồi phục và phát triển. Điểm tích cực là cá tra có dấu hiệu hội phục nhanh hơn một số loài thủy sản khác do mức giá phải chăng phù hợp với người tiêu dùng trong tình hình kinh tế khó khăn và các món ăn chế biến nhanh, mang tính đại chúng cao.
Tuy nhiên, việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong đó có xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ khôi phục đáng kể khi khả năng kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam đã và đang được đánh giá cao bởi nhiều nước trên thế giới, điển hình là việc chúng ta đã có gần 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và chưa có ca tử vong nào vì nhiễm Covid-19. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì sản xuất ổn định trong nhiều tháng qua và các tháng sắp tới.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp đã ban hành quyết định mới về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Mỹ, theo bà chương trình này có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp trong ngành cá tra?
Quyết định mới này cập nhật một số chi tiết so để phù hợp hơn với chương trình kiểm soát của Bộ nông nghiệp Mỹ và cũng phù hợp với thực tiễn các điều kiện an toàn thực phẩm ở Việt Nam đã được Bộ nông nghiệp Mỹ đánh giá tương đương. Việc thực hiện chương trình này, với một số doanh nghiệp nhỏ thì có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhưng đây là điều bắt buộc phải làm để nâng cao chất lượng, vị thế của cá tra trên thị trường. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp lớn thì sẽ không có bất kỳ khó khăn, trở ngại nào.
Để xuất khẩu vào Mỹ, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và dư lượng kháng sinh, kim loại. |
Là một trong số ít doanh nghiệp khai thác thành công thị trường Mỹ, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nhỏ khi muốn xuất khẩu vào thị trường này?
Thị trường Mỹ có các yêu cầu về kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm cũng tương đương các thị trường chính khác của cá tra Việt Nam, như Châu Âu. Tuy nhiên với chương trình kiểm soát của Bộ nông nghiệp Mỹ thì ngoài việc với đáp ứng tương đương về hệ thống, cá tra xuất khẩu sang Mỹ phải được kiểm tra tại cảng đến 100% lô hàng, điều này đòi hỏi quá trình kiểm soát không được sai sót của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra ở Mỹ còn có lệnh áp thuế chống bán phá giá lên cá tra Việt Nam nhiều năm qua, muốn xuất khẩu vào Mỹ các doanh nghiệp phải cần tư vấn của luật sư và có chiến lược bán hàng phù hợp, tuân thủ pháp luật về chống bán phá giá của Mỹ.
Đặc biệt, với Mỹ thì họ có chương trình đánh giá các điều kiện tương đương của các nhà máy ở Việt Nam theo quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Để đạt được những chứng nhận này, các doanh nghiệp cũng phải học hỏi thêm các quy định về HACCP của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đồng thời nâng cấp, sửa chữa nhà xưởng, rà soát lại quy trình sản xuất nhằm đáp ứng được những yêu cầu của Mỹ.
Xin cảm ơn bà!