Tháng 7/2022, xuất khẩu thuỷ sản giảm 4% so với tháng 6 Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU năm 2022 dự báo đạt trên 200 triệu USD |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù xuất khẩu cá tra trong tháng 7 vẫn tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 186 triệu USD, nhưng đó là mức xuất khẩu thấp nhất trong 7 tháng đầu năm.
Xuất khẩu cá tra nhiều cơ hội gia tăng tại các thị trường nhỏ |
Sau khi đạt đỉnh 310 triệu USD vào tháng 4/2022, sau thời điểm diễn ra các hội chợ Thuỷ sản quốc tế tại Hoa Kỳ và châu Âu, xuất khẩu cá tra bắt đầu hạ nhiệt dần dần trong các tháng tiếp theo. Xu hướng đó thể hiện ở cả 2 thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã đạt đỉnh 113 triệu USD vào tháng 4, nhưng tới tháng 7 giảm xuống còn 44 triệu USD. Tuy nhiên, luỹ kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt 451 triệu USD, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Với sản phẩm cá tra Việt Nam tại Trung Quốc, thị phần vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu cá đông lạnh của Trung Quốc. Hiện nay, cá tra đông lạnh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 14-15% nhập khẩu cá đông lạnh của Trung Quốc. Việc Trung Quốc nới lỏng cơ chế kiểm tra Covid-19, không đình chỉ nhập khẩu khi phát hiện các lô hàng bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sẽ giải toả được áp lực tâm lý cũng như chi phí, thời gian cho việc xuất khẩu cá tra cũng như các sản phẩm thuỷ sản khác sang thị trường này.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng khắt khe trong việc kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nên quan tâm đến đảm bảo chất lượng và các qui định cũng như tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ cũng chạm mức cao nhất là 81 triệu USD vào tháng 4, nhưng cũng đã rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng đầu năm, chỉ đạt 32 triệu USD trong tháng 7, thậm chí đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ từ năm 2021 tới nửa đầu năm nay có được mức giá tương đối cao nên giá trị xuất khẩu thu về khả quan. Tuy nhiên, sau thời gian tăng nóng đó, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã bắt đầu điều chỉnh giảm giá, vì lượng tồn kho tăng và tiêu thụ tại thị trường cũng chậm lại bởi các yếu tố logistic. Nhìn chung, theo đánh giá của doanh nghiệp cá tra thì sản phẩm này vẫn có nhu cầu tại thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác, trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm, giá xuất khẩu sẽ giảm dần.
Tính đến hết 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ vẫn cao hơn 92% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 24% tổng xuất khẩu cá tra.
Dù Hoa Kỳ và Trung Quốc chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra theo hướng chững lại hoặc giảm dần, nhưng có nhiều thị trường vẫn giữ được mức tăng trưởng lạc quan cho cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Điển hình là thị trường đơn lẻ lớn thứ 3, Mexico vẫn giữ được tăng trưởng cao 87% trong tháng 7. xuất khẩu sang 2 thị trường còn lại trong Top 5 là Brazil và Thái Lan đều tăng 2 con số trong tháng 7: tăng lần lượt 40% và 34% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong tháng 7 có nhiều thị trường bứt phá trong nhập khẩu cá tra Việt Nam như Canada tăng gấp hơn 4 lần, Hồng Kông tăng 114%, Australia tăng 143%, Singapore tăng gấp hơn 2 lần, Philippines tăng gấp 3,5 lần… Điều đó cho thấy cá tra của Việt Nam còn nhiều cơ hội gia tăng tại các thị trường nhỏ khác.