Giá xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt mức kỷ lục trong niên vụ 2022-2023 Giá Robusta duy trì đà tăng, xuất khẩu cà phê được lợi |
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch 17/10, giá hai mặt hàng cà phê cùng khởi sắc bất chấp xuất khẩu cà phê tại Brazil có nhiều tín hiệu tích cực trong nửa đầu tháng 10. Theo đó, giá Arabica tăng 1,88% sau nhịp giảm vào đầu tuần. Giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp khi đóng cửa với mức giá cao hơn 1,05% so với tham chiếu.
Giá cà phê tăng trong phiên giao dịch hôm qua |
Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho biết trong hai tuần đầu tháng 10, trung bình mỗi ngày Brazil xuất khẩu 13.300 tấn cà phê, tăng 26,4% so với trung bình cả tháng 10/2022. Sự gia tăng trong hoạt động cung cấp cà phê của Brazil đến từ sản lượng năm 2023 tăng gần 7% so với năm ngoái.
Mặc dù vậy, trong báo cáo hàng tuần của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB), giá Arabica tại quốc gia này đang dao động quanh mức 800 Real/bao, thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá thấp khiến nhiều nhà cung cấp lựa chọn đứng ngoài thị trường, tạm thời gây ra tâm lý hoang mang về nguồn cung.
Đối với cà phê Robusta, giá cà phê Robusta trên thế giới đang được hỗ trợ từ việc mưa diễn ra nhiều tại vùng cà phê Tây Nguyên của Việt Nam, khiến hoạt động thu hoạch vụ mới bị chậm lại. Trong khi đó, lượng tồn kho cà phê trên sàn hàng hoá liên lục địa (ICE) vẫn tiếp tục giảm bất chấp lượng xuất khẩu cà phê Conilon Robusta từ Brazil đã tăng tới 329,3% trong 3 tháng đầu niên vụ mới 2023/2024.
Giá cà phê Robusta trên thế giới đang được hỗ trợ từ việc mưa diễn ra nhiều tại vùng cà phê Tây Nguyên của Việt Nam, khiến hoạt động thu hoạch vụ mới bị chậm lại |
Dữ liệu cho thấy, lượng tồn kho cà phê Robusta trên sàn ICE Futures tính đến ngày 13/10 đã giảm 2.360 tấn, tức giảm 5,62 % so với một tuần trước đó, xuống mức 39.670 tấn (khoảng 661.167 bao), mức thấp nhất hai tháng. Đây là yếu tố hỗ trợ giá Robusta - cũng là chủng loại cà phê phổ biến của Việt Nam.
Về chủng loại cà phê xuất khẩu, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng tới 22% trong 7 tháng đầu năm nay lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong khi tỉ lệ này ở cùng kỳ năm ngoái là 15%.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 - 6 tỉ USD vào năm 2030, ngành cà phê phải tăng thêm tỉ lệ chế biến (cà phê khử caffeine, rang xay, hòa tan...), nâng chất lượng cà phê nhân xanh vì không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng nhờ tăng diện tích. Chưa kể, việc tăng sản lượng còn có nguy cơ cung vượt cầu, kéo giá cà phê đi xuống.
Vị thế hạt cà phê Việt Nam tăng trong những năm gần đây do Việt Nam có sự cải tiến lớn về giống, canh tác cũng như nhiều nhà máy chế biến cà phê được đầu tư bài bản, tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài hạt cà phê, vỏ cà phê chín cũng được sản xuất thành mặt hàng cao cấp là trà cascara được thị trường ưa chuộng. Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết Phúc Sinh sắp xây thêm nhà máy trà cascara tại Sơn La, công suất 100 tấn/năm, gấp 10 lần nhà máy hiện tại để đáp ứng các đơn hàng tăng thêm.
Việc đẩy mạnh chế biến cà phê đã giúp nhiều chuỗi cà phê của Việt Nam nâng cao giá trị và liên tục xuất ngoại. Không dừng lại ở xuất khẩu cà phê thô và chế biến, cuối tháng 9 vừa qua, Trung Nguyên Legend chính thức khai trương cửa hàng cà phê đầu tiên tại Mỹ bằng hình thức nhượng quyền. Trước đó, thương hiệu cà phê này đã thành công với 2 cửa hàng tại Trung Quốc, một bước tiến mới của thương hiệu cà phê Việt ở nước ngoài.
Đầu tháng 10, Công ty CP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (sở hữu chuỗi Highlands Coffee) khởi công xây dựng dự án Nhà máy rang cà phê Cao Nguyên, vốn đầu tư tới 500 tỉ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tham vọng đưa cà phê rang xay Việt Nam lên bản đồ thế giới. Nhà máy có công suất đạt gần 10.000 tấn cà phê/năm giai đoạn đầu và có thể tăng lên 75.000 tấn/năm giai đoạn tiếp theo.
Highlands Coffee hiện có gần 700 cửa hàng tại Việt Nam và hơn 50 cửa hàng tại Philippines tính đến tháng 9-2023. Sản phẩm cà phê Highlands đã hiện diện tại Philippines, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Czech, Malaysia, Maldives, Anh.