Thức ăn cho trẻ sơ sinh có thể nhiễm khuẩn Phòng bệnh uốn ván trẻ sơ sinh |
Được biết, bé trai nhập viện trong tình trạng hôn mê, đồng tử có đáp ứng với ánh sáng, thở nấc, tím môi, nhịp tim rõ đều, thóp trước phồng. Hai ngày trước khi nhập viện, trẻ được mẹ đưa đi chơi. Nhiều người chuyền tay bế bé và rung lắc. Một ngày sau, trẻ có triệu chứng li bì, bú kém, thở nấc… nên được gia đình đưa vào viện. Qua kiểm tra cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xuất huyết não do hội chứng rung lắc.
Hội chứng rung lắc ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Hội chứng rung lắc ở trẻ em xảy ra do thói quen vô ý và thiếu hiểu biết của người lớn khi cưng chiều trẻ bằng các hành động như tung hứng, bồng xốc trẻ lên cao để chơi trò máy bay; khi lắc võng, nôi quá mạnh để dỗ cho trẻ ngủ.
Rung lắc dễ gây xuất huyết não ở trẻ em |
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng) - chia sẻ: Hội chứng rung lắc ở trẻ em được so sánh tương tự như người lớn bị chấn thương sọ não do tai nạn xe.
Hội chứng rung lắc ở trẻ em gây nhiều tổn thương nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tương lai của trẻ. Hội chứng rung lắc thường xuất hiện ở trẻ em dưới hai tuổi, tập trung ở độ tuổi từ sơ sinh đến 8 tháng.
Chỉ cần rung lắc trong 5 giây đã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như: Tụ máu dưới màng cứng; tụ máu dưới nhện; chấn thương trực tiếp trên bề mặt não khi não đạp vào mặt trong bản sọ; gây đứt gãy, xé rách các nhánh tế bào thần kinh ở vỏ và cấu trúc sâu của não; vỡ xương sọ nếu có sự va chạm đầu trẻ vào các bề mặt cứng; xuất huyết võng mạc; nếu trẻ ngừng thở khi bị lắc sẽ gây các tổn thương não không hồi phục khi não bị thiếu oxy; gãy xương đòn, xương sườn, xương tứ chi…
Biểu hiện hội chứng rung lắc ở trẻ
Trẻ bị hội chứng rung lắc có các biểu hiện đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng cơ bản như sau thì cha mẹ cần đặc biệt lưu ý: Trẻ lờ đờ, vật vã, bứt rứt, quấy khóc, đờ đẫn, lơ mơ, ngủ mê; trẻ bị kích thích, chán ăn, buồn nôn; hôn mê, co giật, đồng tử giãn và không đáp ứng với ánh sáng; nhịp thở nông, chậm bất thường, không đều; trẻ nằm ở tư thế đầu ngửa ra sau, lưng cong hình vòng cung; huyết áp bất thường…
Khi hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh xảy ra, não bộ rất dễ va chạm với xương sọ, có thể để lại những tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi phát hiện bé mắc phải hội chứng này.
Các bác sĩ cho biết, hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh là nguyên nhân khiến trẻ kém phát triển về thị giác, thính giác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt trong tương lai của bé. Đồng thời, trẻ cũng gặp nhiều khó khăn với khả năng ngôn ngữ, khả năng tập trung hoặc vận động. Thậm chí, một số trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh động kinh do hội chứng rung lắc.
Cách điều trị
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, để kịp thời phát hiện, điều trị hội chứng này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhi thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, ví dụ như: chụp X-quang, chụp MRI hoặc tiến hành xét nghiệm máu… Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ dễ dàng xác định được tình trạng não bộ và đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý đối với từng bệnh nhi.
Tùy vào triệu chứng rung lắc trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị dành riêng cho từng bệnh nhân. Nếu như trẻ gặp khó khăn khi hô hấp, bác sĩ có thể cân nhắc đặt ống thở, hỗ trợ bé hô hấp dễ dàng hơn. Trong một số trường hợp trẻ bị co giật, điều trị bằng thuốc sẽ là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, khi trẻ co giật, cha mẹ cần đảm bảo con không cắn vào lưỡi, điều này khá nguy hiểm đối với trẻ.
Nếu như phát hiện tình trạng phù nề hoặc chảy máu não, trẻ cần được tiến hành phẫu thuật kịp thời. Càng để lâu, sức khỏe càng chịu nhiều ảnh hưởng xấu và có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Các bác sĩ khuyến cáo: Thói quen đung đưa, vỗ về trẻ sơ sinh của cha mẹ, người thân là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ mắc hội chứng rung lắc. Khi ru bé ngủ, nhiều người có thói quen đưa võng, đưa nôi mạnh để trẻ nhanh chóng chìm vòng giấc ngủ, tuy nhiên hành động này lại khiến não bộ của trẻ bị tổn thương. |