Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hóa chất tương đối đầy đủ. Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2017/NĐ-CP (ngày 9/10/2017) hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất, để thay thế Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Nghị định số 26/2011/NĐ-CP. Theo đó, các điều khoản về kinh doanh hóa chất nhỏ, lẻ được quy định chặt chẽ; định kỳ hàng năm, tổ chức cá nhân phải báo cáo đầy đủ thông tin về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất gửi Sở Công Thương và Cục Hóa chất.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất, kinh doanh, buôn bán hóa chất độc hại trên thị trường vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nhân dân. Sau khi thí điểm kiểm tra 64 hộ cá thể và doanh nghiệp kinh doanh hóa chất trên địa bàn Hà Nội, Đoàn liên ngành của Bộ Công Thương phát hiện các cửa hàng hầu hết còn chưa bảo đảm yêu cầu về lưu trữ hóa chất và phòng cháy chữa cháy; vẫn còn hiện tượng hóa chất được san chiết không đúng quy định tại cửa hàng. Ngoài ra, nhiều hóa chất không có nhãn mác và nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, nội dung nhãn mác chưa đầy đủ.
Tăng cường kiểm tra viïåc kinh doanh hoáa chêët |
Lực lượng quản lý thị trường cũng tiến hành nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trên địa bàn. Tuy nhiên, do số lượng chủng loại hóa chất rất đa dạng, hầu hết các hóa chất đều mang tính lưỡng dụng, nên việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng này vẫn gặp khó khăn. Chẳng hạn nhiều hóa chất không được sử dụng trong thực phẩm nhưng lại cần thiết trong lĩnh vực công nghiệp cần có quy định bảo đảm hóa chất được sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, Luật Hóa chất quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất, bao gồm các quy định, điều kiện mà người sử dụng phải tuân thủ nhưng không quy định hoạt động sử dụng hóa chất nguy hiểm phải có giấy phép, giấy chứng nhận hay sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Mặt khác, xác định việc lạm dụng hóa chất trong bảo quản, chế biến thực phẩm phải căn cứ vào kết quả thử nghiệm, kiểm định, trong khi phần lớn các vụ vi phạm nhỏ, lẻ, số lượng tang vật vi phạm ít, chi phí thử nghiệm cao và mất nhiều thời gian, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bởi lẽ hóa chất độc rất nguy hiểm với con người, việc cố tình không tuân thủ quy định về mua bán hóa chất có thể kéo theo những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Thời gian tới, nhằm quản lý kinh doanh hóa chất độc hại, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường đề xuất kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có dấu hiệu sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu bằng cồn công nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất và nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol, các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản, chế biến thực phẩm không được phép sử dụng.
Từ năm 2017 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 10.200 vụ việc về kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp, methanol; phát hiện, xử lý trên 4.100 vụ; xử phạt gần 16 tỷ đồng. |