Tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, báo cáo cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Hầu hết các ca nhập viện trong độ tuổi từ 16 - 64 tuổi. Trong đó, 27 ca dưới 16 tuổi, 102 ca từ 18 - 24 tuổi.
Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy, năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020).
Các sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh |
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.
Cụ thể, thuốc lá điện tử chính là chứa chất nicotine cực độc. Nicotine là hóa chất rất độc, trước đây được sử dụng trong thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật nhưng do độc tính cao nên đã bị cấm tại nhiều quốc gia và Việt Nam cũng đã cấm sử dụng. Đặc trong thuốc lá điện tử có hàng nghìn hương liệu, đây là các chất nguyên bản, đồng thời khi được nung nóng ở các nhiệt độ khác nhau mỗi chất sẽ tạo ra các sản phẩm cháy là các hóa chất khác nhau mà chúng ta không thể biết trước được.
Trước tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, trong những năm qua, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bước đầu đạt được các kết quả đáng khích lệ, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm trung bình 0.5% mỗi năm trong nam giới.
Tuy nhiên, theo Công điện trong thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này có nhiều diễn biến phức tạp, tỉ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.
Vì vậy, để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý. Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Về phía Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu. Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng chức năng trong việc thực hiện Công điện này của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn: Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam; Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho người dân.
Thời gian qua, để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc là làm nóng.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 8.000 vụ, xử lý hàng trăm nghìn bao thuốc nhập lậu. Trong đó, xử lý hơn 10 nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thu nộp ngân sách nhiều tỷ đồng. Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng cũng phát hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử đều là nhập lậu, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.
Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường thị trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tiếp tục tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khi sử dụng, đặc biệt đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên.