TPHCM: phát hiện 2.000 vụ vi phạm pháp luật hải quan Phổ biến chính sách pháp luật hải quan cho các doanh nghiệp nước ngoài Công khai mức độ tuân thủ pháp luật hải quan trong xuất nhập khẩu |
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường.
Lực lượng hải quan kiểm tra hàng hóa |
Tập trung vào một số hành vi như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế VAT...
Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính và sự phối hợp của các lực lượng liên quan như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, An ninh hàng không... cùng với quyết tâm, chủ động kiểm soát tình hình, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán, Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2022.
Đồng thời, chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch kiểm soát hải quan và triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Triển khai thực hiện: Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/01/2019 của Quốc hội trong lĩnh vực điều tra hình sự; Kế hoạch chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ 2022; Chiến dịch IRENE III do RILO AP chủ trì; Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, than; Cảnh báo việc lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thêm vào đó, Tổng cục Hải quan tiến hành xây dựng Quyết định sửa đổi Quyết định số 2238/QĐ-BCĐ ngày 3/9/2014 của Trưởng ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Tài chính và tham mưu kiện toàn bộ phận tham mưu, giúp việc cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; Ban hành quy trình, sổ tay nghiệp vụ về công tác kiểm soát hải quan; Dự thảo Quy chế phối hợp lực lượng giữa Hải quan và Cảnh sát biển…
Kết quả từ ngày 16/12/2021 đến 15/6/2022, ngành Hải quan đã trực tiếp và phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý: 7.183 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.771 tỷ 924 triệu đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 24 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 55 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 204 tỷ 729 triệu đồng.
Về công tác đấu tranh phòng chống ma túy, đại diện Tổng cục Hải quan nhận định, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt nổi lên vẫn là tuyến đường hàng không.
Các đối tượng tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam, sau đó vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất và vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với công tác kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ 151 vụ/147 đối tượng. Tang vật thu được: 100,84 kg heroin; 72,83kg cần sa; 41,618 kg thuốc phiện; 374,039 kg ma túy tổng hợp (trong đó có 353,259 Methamphetamine, MDMA và 20,78kg Ketamin) và 46.483 viên ma túy tổng hợp; 280 viên chất hướng thần (trong đó 160 viên Clonazepam; 120 viên Alprazolam); 10,975 kg tiền chất (trong đó 6,004 kg Ephedrine; 4,971 kg Pseuoephedrine); 500 tem giấy có tẩm chất ma túy LST tương đương 8,4gram; 4,621 kg cỏ mỹ khô.