Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ Tập trung 8 nhóm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 |
Vi phạm nồng độ cồn chiếm 20% tổng số vi phạm
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng 4 (Cục CSGT) cho biết, trong đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT (từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023), lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động 273.587 lượt tổ công tác, với 1.116.049 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát; đã phát hiện, xử lý 660.908 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 1.246 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 121.071 trường hợp; tạm giữ 9.408 ô tô, 175.781 mô tô, 21 phương tiện thủy. So với cùng thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 9.105 trường hợp (-1,36%), tiền phạt tăng hơn 67 tỷ đồng (+5,68%).
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng 4 (Cục CSGT) trao đổi thông tin tại Hội nghị - Ảnh: VGP/LS |
Đáng chú ý, lực lượng CSGT đã xử lý 117.381 trường hợp điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, chiếm gần 20% tổng số vi phạm.
Về vi phạm trên đường bộ, lực lượng CSGT đã xử lý 648.130 trường hợp vi phạm TTATGT; xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về "cơi nới" thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ 19.559 trường hợp; xử lý vi phạm về tốc độ trên đường bộ 108.240 trường hợp. Trên các tuyến đường sắt, lực lượng CSGT đã xử lý 729 trường hợp vi phạm và trên đường thủy đã xử lý 12.049 trường hợp vi phạm.
Về tình hình tai nạn giao thông, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023, cả nước đã xảy ra 2.515 vụ, làm chết 1.458 người, bị thương 1.745 người. So sánh với thời gian trước liền kề, giảm 103 vụ (-3,9%), tăng 48 người chết (+3,4%), giảm 137 người bị thương (-7,3%); so sánh với cùng kỳ năm 2022, giảm 588 vụ (-18,9%), giảm 272 người chết (-15,7%), giảm 303 người bị thương (-14,8%)...
Bên cạnh đó, Cục CSGT đã chủ động tham mưu và huy động các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát trong chỉ huy điều hành giao thông, chủ động phương án phân luồng giao thông chống ùn tắc và xử lý các hành vi vi phạm, đã làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo để nhân dân biết về công tác phân luồng giao thông, chủ động thay đổi lộ trình và thời gian di chuyển trên đường giúp cho công tác bảo đảm TTATGT được thuận lợi, thông suốt.
Lãnh đạo Cục CSGT phát biểu tại Hội nghị thông tin công tác bảo đảm TTATGT - Ảnh: VGP/LS |
Tiếp tục xử lý xuyên suốt vi phạm nồng độ cồn
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Cục CSGT cho biết sẽ tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông" và đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới (thay thế Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư) để triển khai thực hiện.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025; Chỉ thị số 01/CT-BCA ngày 09/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới; các kế hoạch của Bộ Công an về: Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045…
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông và kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông. Xác định 02 chuyên đề công tác trọng tâm và là mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Công an thực hiện xuyên suốt trong năm 2023: Xử lý vi phạm về nồng độ cồn; chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông. Trong đó, đối với chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, yêu cầu các địa phương phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt, "không có ngoại lệ", kiên quyết hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe" trong nhân dân.
Đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, tập kết bến bãi, kinh doanh vận chuyển khoáng sản...; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng các đối tượng tụ tập đua xe, chạy xe với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Thông qua hoạt động nghiệp vụ kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, các "điểm đen" về tai nạn giao thông để có văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền khắc phục; trường hợp đã kiến nghị nhưng không có biện pháp khắc phục mà để xảy ra tai nạn giao thông phải phối hợp với cơ quan điều tra xác định nguyên nhân và xem xét trách nhiệm liên đới của các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật.