Thuận lợi, thách thức đan xen
Ngày 25/10, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2023-2028) để tổng kết 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ VI và bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ VII, cũng như đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.
Thông tin tại Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam - Nhiệm kỳ VII, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam- cho biết: Trong 5 năm tới, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam trình bày phương hướng phát triển của Hiệp hội trong nhiệm kỳ VII |
Điểm ra những cơ hội và thách thức này, ông Hồ Đức Lam cho biết: Tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng lên. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng. Ngoài ra, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu thụ điện năng và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông Hồ Đức Lam, kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định EVFTA. “Sau khi EVFTA đi vào hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là một lợi thế lớn để gia tăng sản lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam với một thị trường quan trọng là EU”- ông Lam nhận định.
Thêm vào đó, cung cầu các loại nguyên liệu nhựa trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn cân bằng và giá các loại nguyên liệu hóa thạch được dự báo sẽ ổn định hơn. Bên cạnh triển vọng tăng trưởng, ngành nhựa Việt Nam được kỳ vọng sẽ bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong những năm tới nhờ cải thiện trong năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước.
“Nhà máy hóa dầu Long Sơn, Nhà máy hóa dầu Dung Quất, Nhà máy hóa dầu SCG và Nhà máy sản xuất nhựa Hyosung là các nhà máy cung cấp nguyên liệu đáp ứng hơn 30% nhu cầu nguyên liệu trong nước hiện nay, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu nhựa của Việt Nam sẽ giảm xuống ở mức khoảng 65 - 70%”- ông Lam thông tin thêm.
Dư địa phát triển của ngành nhựa vẫn còn lớn. Ảnh minh họa |
Tận dụng cơ hội ra sao?
Trước những thuận lợi và thách thức trên, Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm ngành nhựa để bảo vệ nhà sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng.
Về phía Hiệp hội luôn theo dõi và tiếp cận sâu sát hơn các chính sách EPR (phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất) để tiếp cận những diễn biến, thay đổi về các chính sách, mức phí nhằm giúp cho doanh nghiệp hội viên chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Chúng tôi sẽ xây dựng chiến lược phát triển cho ngành nhựa giai đoạn 2023 - 2030 để giúp các doanh nghiệp có định hướng phát triển ngành và đầu tư bài bản; xây dựng kho dữ liệu ngành phục vụ hội viên, toàn ngành và đối tác trong và ngoài nước; xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu và quảng bá sản phẩm đến các quốc gia trên thế giới”- ông Lam chia sẻ.
Cùng với hỗ trợ về chính sách, theo ông Hồ Đức Lam, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay và định hướng tế tuần hoàn, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy móc, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong tương lai. Ngoài ra, cần chuẩn bị kỹ càng đón đầu cơ hội, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa luôn đạt mức 2 con số, từ 12-15%/ năm. Đến nay, Việt Nam có thể sản xuất được các loại nguyên liệu như: PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/ năm. Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-20%. Đến nay, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như: Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, cộng đồng các quốc gia châu Âu, Nhật, Úc... |