Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu - TASCC lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị nhằm chỉ ra xu hướng phát triển, những thách thức toàn cầu và giải pháp cho chuỗi cung ứng dệt may khu vực.
Khoảng 200 doanh nghiệp tham dự Hội nghị Chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu |
Vị thế của dệt may Việt Nam trong khu vực châu Á
Phát biểu tại hội nghị - Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, ông Li Jianliang - khẳng định: Việt Nam tiếp tục là thị trường thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), là điểm nóng lớn nhất Đông Nam Á. Tính đến 2018 Trung Quốc có 3.517 dự án với tổng vốn đầu tư 33 tỷ USD vào Việt Nam. Thương mại song phương giữa hai nước năm 2018 đạt 106 tỷ USD tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41 tỷ USD tăng 16% và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Phân tích về thị trường và chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, ông Sun Ruizhe - Chủ tịch Hội đồng dệt may Trung Quốc đã chỉ rõ: Hiện Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ) với kim ngạch xuất khẩu 36,2 tỷ USD trong năm 2018. Còn ngành dệt may Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới với doanh số 250 tỷ USD/năm, giải quyết việc làm cho hơn 200 triệu người. Để mở rộng vành đai chuỗi cung ứng dệt may, hiện Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài trong đó Việt Nam là thị trường đầu tư quan trọng nhất.
Trong những năm gần đây, một số lượng lớn các doanh nghiệp (DN) tiêu biểu của Trung Quốc như Shenzhou, Youngor, Huafu, Lutai, Xurong và Jifa đầu tư và xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam có vị trí quan trọng và là tâm điểm quan tâm hiện nay của dệt may tại khu vực.
Theo ông Sun Ruizhe, việc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam, xây dựng các chuỗi cung ứng dệt may bền vững mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp dệt may toàn cầu cũng như duy trì tính cạnh tranh của công nghiệp dệt may Việt Nam và Trung Quốc.
Sử dụng sợi xanh trong ngành may đang là xu hướng |
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas khẳng định: Hội nghị TASCC 2019 là cơ hội cho tất cả chúng ta - những nhà máy may, những công ty cung cấp vải, nguyên phụ liệu, cùng cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng, tiềm năng, giải pháp của chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu như thế nào?
Nhận định về những thách thức của toàn cầu đối với ngành dệt may, ông Sun Ruizhe chỉ rõ: Hiện người tiêu dùng ý thức về tiêu dùng xanh, quan tâm đến chuỗi cung ứng hàng hoá. Thế hệ 2.000 quan tâm đến thành phần của sản phẩm trước khi mua hàng… Những thay đổi về số hóa và giá trị sản phẩm, thương mại điện tử cũng đã làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu buộc ngành dệt may phải thay đổi theo hướng hội nhập và phát triển bền vững theo hướng xanh và tạo lập chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay như ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã đưa ra các gói “tín dụng xanh” để khuyến khích các DN.
Máy cắt tự động giúp doanh nghiệp may giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) khẳng định: Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; Tham gia và phê chuẩn Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP21 năm 2015 nên ngành dệt may sẽ không nằm ngoại lệ. Đáp ứng xu hướng phát triển xanh trên toàn cầu, từ 3 năm nay VITAS đã thành lập Ủy ban Môi trường và đã tham gia mạnh mẽ vào chương trình hành động “Xanh hóa ngành dệt may” với sự phối hợp, hỗ trợ của Liên minh dệt may bền vững SAC và các tổ chức quốc tế như GIZ, WWF, IDH, US-AID VLEEP, World Bank.
Ông Giang nhấn mạnh việc cần xây dựng chuỗi để tạo ra sự phát triển liên kết chuỗi toàn cầu trong đó Trung Quốc là sự hợp tác mang tính toàn diện giữa DN Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời đề nghị các nhà đầu tư tuân thủ các qui định về môi trường của Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng nhận định xu hướng việc thiết lập các mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới đáp ứng yêu cầu của người mua về nguồn nguyên liệu. Ông Trường đề xuất cần thay đổi cơ chế về chuỗi cung ứng châu Á, cần ngồi lại với nhau để tìm giải pháp hợp tác, hỗ trợ nhau.
Ông Trường khẳng định rằng hợp tác của Hiệp hội dệt may các nước là chưa đủ, mà ngay cả các DN cũng cần hợp tác theo nhóm ngành hàng, thành lập liên minh về chuỗi cung ứng. Đơn cử như hiện nay, Trung Quốc xuất khẩu 6 tỷ USD vải vào Việt Nam nhưng chưa có liên minh giữa người mua và người bán, cần có chiến lược và sự cam kết để hình thành nên các liên minh, tìm kiếm cơ hội cải tiến nâng cấp ngành sản xuất vải của Việt Nam. Cần thành lập chuỗi cung ứng thực sự, điều này sẽ mang lại các lợi ích chiến lược và lợi ích hài hoà lâu dài, tránh chuyện ép giá, phá giá từng khâu trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới còn hạn chế nên cần phải tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng…
Ngoài các vấn đề trên, tại hội nghị đại diện các Tổ chức quốc tế đến từ Ngân hàng thế giới - Nhóm nguồn nước 2030, Viện kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc KITECH, Liên đoàn dệt may Đài Loan TTF, tổ chức phát triển Đức GIZ, Hội đồng bông Mỹ… cũng đã có nhiều chia sẻ bổ ích về xu hướng và cách thức phát triển chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu trong thời gian tới.
Hội nghị Chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu - TASCC (Global Textile and Apparel Supply Chain Conference) - TASCC được khởi xướng từ năm 2008 và tổ chức hàng năm bởi Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc (CNTAC). Trải qua 11 kỳ tổ chức tại Trung Quốc, Hội nghị đã thu hút 4.117 đại biểu tham dự với nhiều sáng kiến phát triển ngành công nghiệp dệt may. Chủ đề “Xu hướng hội nhập phát triển bền vững - hướng đến xanh hóa của ngành dệt may và giải pháp khu vực cho những thách thức toàn cầu” của Hội nghị năm 2019 tại Việt Nam đã thể hiện bước đi thống nhất với mục tiêu phát triển bền vững SDG của Liên Hợp Quốc. |