Thứ hai 28/04/2025 18:26

Xu hướng giá gạo xuất khẩu tăng chưa chắc chắn

Thông tin giá gạo xuất khẩu nhích tăng trở lại đem lại niềm vui cho cả người trồng lúa và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đà tăng này chưa chắc chắn.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Diễn biến thị trường chưa ghi nhận những động thái mới

- Thưa ông, trong những ngày gần đây, có thông tin về giá gạo xuất khẩu tăng, phải chăng giá gạo xuất khẩu đã chạm đáy hình sin và quay trở lại chu kỳ tăng?

Ông Đỗ Hà Nam: Hiện, giá gạo xuất khẩu vẫn chưa có gì thay đổi, diễn biến thị trường đầu ra chưa có gì mới.

Đến thời điểm này, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đứng ở mức 393 USD/tấn, đã giảm 270 USD, tương đương 40% so với cuối năm 2023.

Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng chỉ có chức năng cung cấp thông tin thị trường đến các doanh nghiệp chứ rất khó có thể ngăn chặn được đà giảm của giá gạo xuất khẩu hiện nay.

- Đâu là lý do khiến giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu giảm mạnh trong thời gian vừa qua, thưa ông?

Ông Đỗ Hà Nam: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rớt giá gạo xuất khẩu hiện nay là do Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau 2 năm siết chặt. Nguồn cung tăng do Ấn Độ quay lại thị trường. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường quốc tế gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Khi thị trường cung tăng, cầu giảm thì họ sẽ sử dụng áp lực này để tạo áp lực lên người bán.

Trong khi đó, nhu cầu nhập gạo của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia cũng đang giảm sút, khi các nước này đã tích lũy đủ dự trữ trong năm 2024 và chờ giá giảm thêm trước khi tái nhập khẩu.

Một lý do nữa là Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa gạo lớn nhất trong năm – vụ Đông Xuân. Vụ thu hoạch Đông Xuân đã bắt đầu và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng tới. Mới bắt đầu vụ mà giá lúa gạo trong nước cũng như giá gạo xuất khẩu đã giảm như thế này, nếu không sớm có giải pháp thì chúng tôi lo ngại giá còn giảm nữa. Do đó, phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam mong sớm có những giải pháp từ cơ quan chức năng.

Mong sớm có cuộc họp bàn về giải pháp vực giá gạo

- Để ngăn chặn đà giảm giá gạo hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có đề xuất gì, thưa ông?

Ông Đỗ Hà Nam: Việc giá lúa gạo trong nước cũng như giá gạo xuất khẩu giảm là quy luật của thị trường. Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng sẽ rất khó để đưa ra những yêu cầu hay đề nghị gì vì đây là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Hiện nay, giá lúa đang diễn ra thực trạng đáng buồn khi đầu ra hạn chế, giá từ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg rớt xuống còn 6.000 đồng/kg nhưng không bán nổi. Trong khi đó, nông dân trồng lúa nhiều người đang nghèo, không có khả năng trữ gạo nên không thể kìm hãm tình trạng giá rớt.

Do đó, phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam mong muốn có chính sách về tạm trữ lúa gạo.

Giống như cà phê trước đây, khi giá xuống quá thấp, nhà nước triển khai chính sách tạm trữ cà phê đã giúp nông dân tiêu thụ được cà phê với giá cao, ổn định sản xuất, đồng thời tạo áp lực trên thị trường để nâng giá cà phê robusta, tăng kim ngạch xuất khẩu cho cà phê Việt Nam cũng như giúp ngành cà phê Việt Nam phát huy được thế mạnh của mình và phát triển bền vững. Chính sách thu mua tạm trữ cà phê đã giúp cho nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

Đồng thời, đề xuất ngân hàng cũng cần tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn, có khả năng trữ hàng, từ đó chủ động hơn về giá hàng hóa. Việc linh hoạt của ngân hàng trong cho vay sẽ thúc đẩy phát triển cho nông dân, doanh nghiệp liên quan đến nông sản.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ. Khả năng tiếp cận vốn còn có nhiều hạn chế. Do đó, cần có chính sách ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp uy tín khi cho vay, đặc biệt liên quan đến thế chấp bằng tài sản. Thay vì để người dân vay nóng bên ngoài, ngân hàng tạo thuận lợi hơn để cho nông dân vay tiền. Đẩy mạnh hoạt động cho vay bằng cách chấp nhận việc thế chấp tiền, hàng hoá, hợp đồng… miễn đánh giá được độ uy tín cho các bên vay.

Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang rất lo lắng. Do đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mong muốn các Bộ, ban, ngành chức năng sớm có cuộc họp để bàn giải pháp với các doanh nghiệp trong ngành để kiểm soát giá cũng như vực dậy giá lúa, gạo xuất khẩu hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, tình trạng giá gạo xuống quá thấp hiện nay rất đáng lo ngại. Trong suốt những năm 2016 - 2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam luôn dao động ở mức 420 - 535 USD/ tấn. Năm 2023, giá gạo xuất khẩu tăng cao nhờ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, khiến giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt đỉnh cao nhất 15 năm (tính từ năm 2008) là 663 USD/tấn vào tháng 11/2023.

Đến thời điểm này, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đứng ở mức 393 USD/tấn, đã giảm 270 USD, tương đương 40% so với cuối năm 2023. Với mức giá hiện tại, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, chỉ cao hơn Pakistan.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Bí thư Hầu A Lềnh kỳ vọng Báo Công Thương tiếp tục lan tỏa mô hình đổi mới của Hà Giang

Ông Trần Thanh Hải: Chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics là không thể chậm trễ!

Sắp xếp Đà Nẵng, Quảng Nam: Đổi mới tư duy từ việc lắng nghe dân nói

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh: Hiện thực hóa Nghị quyết 11 bằng hành động cụ thể

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên: Khát vọng hòa bình soi đường dân tộc

Doanh nghiệp tư nhân: Lực lượng chủ công nâng tầm thương hiệu

Chuyên gia kinh tế ADB ‘hiến kế’ thúc đẩy tăng trưởng GDP

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Văn hóa là động lực nội sinh sau 50 năm thống nhất

Từ phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm – nhận thức đúng về sáp nhập xã

Khi đạo đức bị đem bán, viên thuốc trở thành tội ác

Sáp nhập xã, phường: Gọn trong bộ máy, rộng trong kết nối

Việt Nam - Áo: ‘Bắt mạch’ dòng chảy thương mại mới thời EVFTA

Kiểm soát thương mại chiến lược: Hướng đi cần thiết trong hội nhập

Quán ăn không nhận chuyển khoản: Đừng 'đi lùi' trong thời đại số

Cục trưởng Cục Thống kê nêu giải pháp ‘mở khóa’ tăng trưởng

Các tỉnh top cuối FTA Index: Những cánh én chưa đủ gọi mùa xuân

Quảng cáo sai sự thật: Lỗ hổng trách nhiệm, vấn đề đạo đức

Việt Nam khẳng định vai trò quốc gia trách nhiệm qua sứ mệnh cứu hộ Myanmar

Xuất khẩu sang EU: Đừng để thói quen làm mất thị trường

Tội ác 'trời không dung, đất không tha': Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm