Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Theo đánh giá của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh trong tháng 8/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố giảm 22,5% so với tháng 7/2021 và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ chỉ bằng 85,7% tháng 7/2021 và bằng 98,6% cùng kỳ. Nếu không thể kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 9/2021 dự báo tốc độ phát triển GRDP năm 2021 của TP. Hồ Chí Minh sẽ giảm mạnh.
Nhiều ngân hàng đồng loạt tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh |
Để hỗ trợ DN trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh rất nhiều khó khăn này nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục công bố giảm lãi suất cho vay và tung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4%/năm để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhất là tại 19 tỉnh thành phía Nam.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết từ nay đến hết năm 2021, BIDV giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp cho khách hàng DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 1.000 tỉ đồng. Theo đó, BIDV giảm 0,5 - 1,5 điểm % lãi suất cho vay bằng VNĐ đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ngân hàng này cũng triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỉ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỉ đồng.
Tính trong 7 tháng/2021, BIDV đã hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng DN tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam khoảng trên 500 tỉ đồng, nâng tổng nguồn lực dự kiến hỗ trợ cho nhóm khách hàng này trong cả năm lên 1.500 tỉ đồng.
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), bên cạnh chính sách miễn giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đang thực hiện nhằm hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4%/năm với quy mô 20.000 tỉ đồng. Gói tín dụng lãi suất thấp áp dụng cho khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất đang triển khai ở VietinBank lên tới 150.000 tỉ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Vietcombank quyết định tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021 đối với tất cả DN và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Cụ thể, giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội. Bên cạnh việc giảm lãi suất, Vietcombank cũng đã thực hiện giảm phí, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Đồng thời, ngân hàng cam kết và tài trợ gần 350 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, chia sẻ khó khăn với khách hàng, chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch.
Đảm bảo an toàn tín dụng cho các ngân hàng
Chuyên gia tài chính Bùi Duy Tùng (Đại học Bourgogne, Pháp) đánh giá, với việc hạ lãi suất cho vay là cần thiết để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Việc hạ lãi suất cho vay lúc này là biện pháp điều hành phù hợp nhằm mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Đại học Fulbright, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, trong khi quy mô các gói hỗ trợ hiện nay không đủ lớn. Vì thế việc tăng cường hỗ trợ cho DN cần cụ thể hơn, không chỉ hoãn nộp thuế mà có thể giảm thuế. Đồng thời, xem xét tăng các gói chi hỗ trợ mới cho cộng đồng DN, giảm lãi suất vay vốn...
Từ phía các ngân hàng cũng cần thấy tác động của đại dịch đến lợi nhuận và hoạt động của họ thường có độ trễ. Khi giãn cách xã hội, hầu hết DN, nhà xưởng phải đóng cửa, số mở cửa chỉ hoạt động cầm chừng. Do là ngành dịch vụ thiết yếu nên các ngân hàng vẫn tổ chức hoạt động khi giãn cách xã hội, nhưng nếu giãn cách kéo dài, sức khỏe tài chính của các DN kiệt quệ thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Khi các DN không còn đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng và trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng. Việc các ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho DN lúc này không chỉ giúp DN vượt qua khủng hoảng mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai.
Tuy nhiên, việc nới lỏng các tiêu chí tiếp cận tín dụng cần phải được xem xét một cách thận trọng. Khơi thông dòng vốn, hạ lãi suất cho vay không phải là cho vay tràn lan và cho vay dưới chuẩn. Việc bơm vốn cần phải được thực hiện mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Dòng vốn này phải được chảy về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.