Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ số
Theo Văn phòng Điều phối NTM trung ương, sau 10 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thu hẹp khoảng cách về thu nhập, hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị; khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm; chưa phát huy hết các tiềm năng và dư địa của nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng CNS, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM ở Việt Nam.
Nhưng nhìn chung, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nông nghiệp và xây dựng NTM còn hạn chế, manh mún và mang nặng tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn rất thấp (dưới 10%); chưa xây dựng được hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trọng như dân cư, đất đai; còn thiếu nguồn lực tài chính cho triển khai chuyển đổi số ở nông thôn…
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương - chia sẻ, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét đưa nội dung về CNS trong NTM thành một nội dung trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2021 - 2025. Hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Mục tiêu hướng tới mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý. “Trong Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 cần thiết phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 để có được cách tiếp cận tổng thể và toàn diện” - ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định.
Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong thực hiện số hóa nông nghiệp |
Những mục tiêu trọng tâm
Dự thảo (lần 1) Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ NN&PTNT xây dựng và lấy ý kiến các bên liên quan.
Đề án hướng tới thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng CNTT, CNS trong xây dựng NTM nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Chương trình MTQG về NTM. Cải thiện hiệu quả phương thức sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn hướng tới NTM thông minh và thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Về kinh tế số trong xây dựng NTM, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện chuyển đổi số trong quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý trực tuyến về du lịch cộng đồng. Đối với xã hội số trong xây dựng NTM, có 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về chính quyền địa phương.
Chia sẻ tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp được tổ chức mới đây, TS. Tan Siang Hee - Giám đốc CropLife châu Á - cho biết, Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong thực hiện số hóa nông nghiệp. Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn - đề xuất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các CNS và lĩnh vực ưu tiên phát triển. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị, triển khai thí điểm các mô hình hợp tác xa NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo nội dung Dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025”, nguồn lực huy động linh hoạt gồm ngân sách trung ương và các nguồn huy động từ cộng đồng dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. |