Đất nước hòa bình được bao nhiêu năm, cũng là bấy nhiêu năm công tác dân tộc và đời sống đồng bào DTTS được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chương trình, chính sách lớn xuyên xuốt, kéo dài. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM đóng vai trò không nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020.
Con đường NTM ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang |
Giai đoạn này, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước); trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%... Sau 5 năm triển khai, đã có 80% số xã có đường đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn, bản. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi đã đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm. 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 58,6% xã có nhà văn hóa, 78,7% thôn, bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Nhờ sự góp sức của Chương trình NTM, 8/64 huyện nghèo đã thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Đáng ghi nhận hơn cả là ngay trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, các địa phương vùng ĐBKK đã chủ động vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ và huy động các nguồn lực triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để từ đó phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Có thể kể tới các địa phương có nhiều sáng tạo trong thực hiện các công trình NTM như: Hà Giang với Ðề án “Hỗ trợ một triệu tấn xi măng”; tỉnh Bắc Kạn với mô hình “Dân vận khéo”; tỉnh Yên Bái với mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”…
Đồng bào dân tộc Gia Rai thu hoạch cà phê |
Bên cạnh việc hiến đất, ủng hộ công sức để tạo nên những công trình cộng đồng nhiều ý nghĩa; chương trình xây dựng NTM còn góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng ÐBKK. Tiêu biểu như: Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) phát triển cây thảo quả, hoa địa lan, dệt vải thổ cẩm… đưa Sin Suối Hồ trở thành bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở khu vực biên giới Tây Bắc. Huyện Gio Linh (Quảng Trị) tạo được chuỗi sản phẩm hàng hóa từ đánh bắt cá đến chế biến và xuất khẩu cho 12 xã bãi ngang ven biển, nhờ đó người dân vừa có việc làm, vừa có thu nhập khá cao. Xã Thuận Hạnh (huyện Ðắk Song, tỉnh Ðắk Nông) vận động nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với rau, quả, cà phê, hồ tiêu gắn với thị trường tiêu thụ…
Đặc biệt, đến nay, một số địa bàn đã khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc sản, truyền thống theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu cho nhiều sản phẩm vùng cao, vùng đồng bào DTTS.
Hơn tất cả, những con đường mới, cùng với tư duy sản xuất mới đã và đang tạo nên những bước chuyển cho nông thôn vùng DTTS & MN. Đây cũng là động lực để đồng bào DTTS tích cực chung tay xây dựng nông thôn ngày một mới hơn, tiến bộ hơn.