Si Ma Cai là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Do đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi đá, khí hậu khắc nghiệt, là vùng biên ải giao thông khó khăn. Trong khi đó một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tư duy sản xuất lạc hậu nên đời sống bà con phần lớn vất vả. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện trước năm 2015 lên tới hơn 57%, là huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai.
Xây dựng nông thôn mới miền biên ải huyện Si Ma Cai |
Xác định người dân đóng vai trò chủ thể trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Si Ma Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền bà con nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm năng động sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, đã làm thay đổi căn bản về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 22 về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2015, huyện Si Ma Cai đã triển khai đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc, thí điểm tại 2 xã là Sín Chéng và Bản Mế với 477 con trâu và 55 con bò, với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Sau xã Bản Mế, các xã còn lại của huyện vùng cao Si Ma Cai tập trung khai thác lợi thế đất đai, đồng cỏ và kinh nghiệm bản địa để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Tính đến nay, huyện Si Ma Cai đã hỗ trợ hàng nghìn con bò và trâu sinh sản cho hơn 1.000 hộ nghèo và cận nghèo, tổng đàn trâu, bò tăng, tăng trưởng bình quân qua các năm đạt từ 17,5% - 18%. Ước tính đến hết năm 2020, tổng đàn trâu đạt 15.800 con, đàn bò đạt 6.800 con, tạo nguồn thu khoảng gần 500 tỷ đồng cho khu vực nông thôn.
Phát triển chăn nuôi trâu bò tại Si Ma Cai |
Trong khi đó, với các xã nằm ở độ cao từ 1.200 - 1.600m so với mực nước biển, có khí hậu mát lạnh, độ ẩm khá cao, huyện Si Ma Cai đã quy hoạch, vận động và hỗ trợ người dân trồng cây ăn quả ôn đới, như: Lê xanh, mận hậu, mận tím là những giống cây ăn quả bản địa, sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng vượt trội so với các nơi khác. Đến nay, huyện Si Ma Cai đã trồng được gần 800ha cây ôn đới. Trong đó, cây mận 363,3ha, lê tai nung 354,5ha, cây sơn tra 31,4ha, cây đào pháp 6ha. Năm 2019, diện tích mận và lê đã cho thu hoạch là 130ha, năng suất đạt 402 tấn, thu về cho nông dân gần 40 tỷ đồng, góp phần tích cực xóa nghèo hiệu quả ở địa phương. Ước tính năm 2020, diện tích cây lê, mận cho thu hoạch là 165ha, tổng sản lượng ước đạt 569 tấn.
Ðể tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, huyện Si Ma Cai cũng tích cực huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống hạ tầng giao thông. Ðến nay, 100% các bản có đường bê tông đến xã, đồng ruộng được quy hoạch đã thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa. Nhiều sản phẩm nông sản của bà con được tư thương, doanh nghiệp tìm đến thu mua tận ruộng. Ðời sống nhân dân từ đó dần nâng cao. Ðến nay số hộ nghèo trong huyện chỉ còn 12,35%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm. Huyện có 4/9 xã được công nhận hoàn thành nông thôn mới, đạt 100% so với mục tiêu đề án, là một trong các huyện có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc Top đầu của tỉnh Lào Cai.