Gia Lai: Bàn giao máy móc theo chương trình khuyến công quốc gia năm 2022 Khuyến công Đắk Nông: Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn |
Theo đó, trước ngày 20/6/2023, Sở Công Thương, các tổ chức dịch vụ khuyến công xây dựng báo cáo đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia gửi về Cục Công Thương địa phương; trước ngày 30/9/2023, các địa phương, đơn vị gửi 1 bộ hồ sơ đề án đã đăng ký hoặc bản đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia (đối với đề án điểm) về Cục Công Thương địa phương để thẩm định cấp Bộ.
Cục Công Thương địa phương cũng lưu ý: Sở Công Thương thẩm định hồ sơ pháp lý của các đối tượng thụ hưởng từ đề án (giấy đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính...) và lưu tại đơn vị theo quy định; không gửi các tài liệu này về Cục Công Thương địa phương.
Cục Công Thương địa phương thông báo kế hoạch xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024. Ảnh minh hoạ |
Về các nội dung hoạt động trong kế hoạch Khuyến công quốc gia, Cục Công Thương địa phương định hướng: Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới: Lựa chọn xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn; mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất: Đổi mới máy móc thiết bị, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững.
Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường: Hỗ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp (lựa chọn đề án đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm kế hoạch); hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (lựa chọn cụm công nghiệp có hồ sơ pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục hoặc gói thầu đề nghị hỗ trợ trong năm kế hoạch).
Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ưu tiên các đề án có sản phẩm được bình chọn, cấp giấy chứng nhận cấp khu vực, quốc gia (giấy chứng nhận còn hiệu lực).
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn: Đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở, giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông; tư vấn, hướng dẫn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.
Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khuyến công.
Căn cứ định hướng trên, Chương trình Khuyến công địa phương và điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Công Thương xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung hoạt động khuyến công dự kiến thực hiện trong năm 2024.