Quy hoạch dàn trải, thiếu chợ đầu mối
Chương trình quy hoạch chợ theo đề án Phát triển hạ tầng thương mại miền núi của Nghệ An đã được triển khai qua hai giai đoạn: 2010 - 2015, 2015 - 2020; gần như cùng thời điểm của công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn. Thế nhưng, cho đến nay, hệ thống chợ thuộc 11 huyện, thị miền núi vẫn chưa được xây mới; cải tạo, nâng cấp, chưa phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại dịch vụ. Mới chỉ có 51 chợ được xếp hạng trong tổng số 152 chợ nông thôn của toàn khu vực. Theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có 370 xã đạt tiêu chí xây dựng chợ trong NTM là khá nặng. Ví như địa bàn huyện Quỳ Châu hiện mới chỉ có 6 chợ, bao gồm cả chợ thị trấn, chợ nông thôn phục vụ bà con buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hoạt động kinh doanh ở những khu chợ này chưa tạo được sự chuyển biến trong phát triển thương mại và đáp ứng nhu cầu dân sinh của 12 xã, thị trấn. Ông Nguyễn Sĩ Luận - Phó chủ tịch UBND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu cho rằng: “Chợ là một tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng xã NTM, bởi vì, nếu không có chợ thì sẽ hạn chế giao lưu, buôn bán; không kích thích được sản xuất, lưu chuyển hàng hóa trong vùng”.
Chợ là nơi đồng bào giao lưu, buôn bán |
Về vấn đề chất lượng hạ tầng thương mại miền núi ở 11 huyện, thị miền Tây của tỉnh Nghệ An, hầu hết các chợ thị trấn, trung tâm huyện lỵ cơ bản đạt các tiêu chí chợ hạng 2, hạng 3, phục vụ phần lớn nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa, đồ dùng, thực phẩm của người dân trong vùng. Tuy nhiên, do quá trình thiết kế xây dựng đã lâu nên một số hạng mục công trình phụ trợ bị xuống cấp; hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo… Mặt khác, trong quy hoạch chợ miền Tây Nghệ An hiện tại đang thiếu các chợ đầu mối nhằm tập kết, phân phối các sản phẩm truyền thống và đặc sản hàng hóa của mỗi vùng.
Cần tính toán đến nhu cầu của địa phương
Sự phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An đến nay còn khá nhiều bất cập. Bởi vậy, để giải quyết khó khăn, cần có các phương án khả thi hơn. Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết, để thực hiện việc đầu tư phát triển chợ ở khu vực này cần tính toán đến nhu cầu, khả năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy hoạch đúng đắn là cần phải xét đến địa điểm mà trước kia đã có chợ truyền thống, hoặc là những tụ điểm thu hút được đông người tham gia qua lại, tổ chức giao thương, giao lưu hàng hóa; phải là khu vực thuận tiện giao thông, kết nối giữa các vùng miền. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, quá trình đầu tư, phát triển chợ ở các vùng nông thôn, miền núi phải tính toán phù hợp với nhu cầu, tránh tình trạng chợ xây ra nhưng không có người họp; hoặc có chợ xây ra không sử dụng hết công năng, sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Chợ phiên Mường Quạ (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) |
Do vậy, để đáp ứng hạ tầng kinh doanh - trung tâm thương mại tại mỗi huyện, thị, xã và cụm xã, cần phải ưu tiên nguồn lực, kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách mời gọi các tổ chức, cá nhân có tiềm lực trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, quản lý chợ. Có như vậy, bài toán quy hoạch chợ miền núi, chợ nông thôn mới được giải đáp một cách thỏa đáng, làm nền tảng cho sự vươn lên phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.