Sản xuất và tiêu dùng bền vững là hai mấu chốt gắn bó keo sơn của tái sản xuất xã hội, quyết định tính bền vững của tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia, là một trong những phương thức hiệu quả nhất để đạt được sự cân bằng các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đó chính là một trong những điều kiện phát triển kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh, tiêu dùng sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống mà không tổn hại đến nhu cầu về nguồn lực của các thế hệ tương lai. Điều đáng mừng là ngày nay Người tiêu dùng Việt Nam theo trào lưu thế giới, ngày càng mong muốn được thụ hưởng các sản phẩm có gắn nhãn hiệu “xanh” và “sạch”, đảm bảo thân thiện với môi trường, vì sự tồn vong của giống nòi. Đây thực sự là chủ đề vừa cấp bách, nóng hổi vừa mang tính chiến lược, bền vững.
Các hoạt động của VICOPRO về “tiêu dùng bền vững và tiêu dùng xanh” |
Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) luôn coi việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật là mục tiêu cao cả, cấp bách xuyên suốt trong mọi hoạt động mà một trong những việc cần làm ngay là Xây dựng “Bộ Quy tắc Ứng xử có trách nhiệm với Tiêu dùng bền vững và Tiêu dùng xanh” nhằm giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gánh nặng kép về dinh dưỡng và các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.
Ý tưởng đó, nhận được sự hưởng ứng của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, EU đã tài trợ Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái-công bằng tại Việt Nam” (eco-fair) thông qua Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) để VICOPRO tổ chức biên soạn “Bộ Quy tắc ứng xử” nói trên.
Xây dựng Bộ Quy tắc này, VICOPRO sẽ kêu gọi, vận động các Hiệp hội ngành nghề và thương mại, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm tham gia và đóng góp cho việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm nằm trong phạm vi hoạt động của mình.
Bám sát tiến bộ của đồng nghiệp quốc tế, các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam hiện có đủ năng lực và các mối quan hệ với các thành phần kinh tế và xã hội khác để chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm bền vững, mang lại nhiều hơn các lợi ích về môi trường, sức khỏe, xã hội và kinh tế để đưa việc điều hành kinh tế quốc gia cùng người dân vào con đường phát triển bền vững. Sự chuyển đổi này đòi hỏi phải có sự đồng hành của tất cả các tác nhân chính trong hệ thống thực phẩm thuộc hệ thống thương mại cùng các ngành nghề khác với sự kết nối của VICOPRO.
Trong bước khởi động, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ kêu gọi các Bên liên quan bao gồm các tổ chức Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội thương mại, với sự chứng kiến của các cơ quan Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế) ký cam kết để “sinh hạ” ra Bộ Quy tắc đang rất được kỳ vọng này.
Tiếp theo, chuỗi các hoạt động xung quanh việc soạn thảo sẽ lần lượt sẽ được tiến hành để có sản phẩm sớm nhất có thể, vừa có tính pháp lý vừa sát thực tiễn để Bộ quy tắc đi vào cuộc sống chất lượng.