Mặc dù lãi suất tiết kiệm tăng nhưng thực tế nguồn tiền này vẫn thường chỉ đáp ứng cho kênh vay vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại, do thời gian gửi thực tế của người dân ngắn, tập trung nhiều vào kỳ hạn 6-9 tháng, nhiều nhất là 12 tháng. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng thương mại thường dùng kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu.
Vượt bất động sản, trái phiếu ngân hàng chiếm lĩnh thị trường |
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần phục hồi”- Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm đã ghi nhận sự “bùng nổ” của nhóm trái phiếu ngân hàng, vượt qua lĩnh vực nóng vốn thường dẫn đầu ở kênh trái phiếu là bất động sản. Chỉ tính riêng tháng 6/2024, nhóm ngân hàng đã chiếm tới 94% tổng giá trị phát hành trái phiếu toàn thị trường.
Theo Chuyên viên phân tích Lê Minh Anh của Công ty Chứng khoán MB (MBS), 3 tuần đầu tháng 6/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 20.4 nghìn tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ, nhóm ngành ngân hàng chiếm đa số, trong đó Ngân hàng Á Châu (10 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 4.5%), Ngân hàng Shinhan Việt Nam (4 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 5.1%) và MSB (2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5.3%).
Thông tin từ Bộ Tài chính về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024, có 41 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với khối lượng hơn 110.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng phát hành của tổ chức tín dụng nửa đầu năm đạt 69.600 tỷ đồng, chiếm tới 63,2%.
Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong báo cáo thị trường trái phiếu mới công bố cũng chỉ ra rằng, 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng đã vượt bất động sản trở thành nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 53,8 nghìn tỷ, (tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỷ trọng 57%, lãi suất bình quân gia quyền là 4,9%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Á Châu (10 nghìn tỷ đồng), Techcombank (9 nghìn tỷ đồng), BIDV (5,5 nghìn tỷ đồng).
Trái phiếu được các ngân hàng phát hành thường có kỳ hạn trung bình từ 2-7 năm; một số ngân hàng ở mức 4-10 năm và cao nhất là 7-20 năm với lãi suất trung bình là 3,7%- 5,8%/năm tùy kỳ hạn và ở mức cao hơn là ở dải lãi suất từ 6,18% - 7,4%/năm.
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là sự lên ngôi của nhóm trái phiếu ngân hàng, giới chuyên gia phân tích cho rằng: Các quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn dự kiến sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, “trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn”- bà Lê Minh Anh nêu quan điểm. Diễn biến trên thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm cho thấy, tăng trưởng tín dụng diễn ra khá chậm, chỉ đột phá trong tháng 6.
Lượng tiền gửi tại các ngân hàng tăng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3 đạt 6,676 triệu tỷ đồng, tăng thêm gần 39.000 đồng so với tháng liền trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là mặc dù tiền gửi tăng cao nhưng thực tế tại nhiều ngân hàng thương mại kỳ hạn gửi của người dân lại ngắn, dòng vốn này vì thế khó cân đối đáp ứng cho các khoản vay trung, dài hạn. Ngoài ra, lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại nhiều ngân hàng đã có mức tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm. Báo cáo tài chính quý 1/2024 của nhiều ngân hàng thương mại công bố đã minh chứng điều này, đơn cử: Techcombank đạt tỷ lệ 40,5%, tăng 0,6% so với cuối năm ngoái; MB đạt 36,1%; Vietcombank có tỷ lệ 33,2%; MSB, ước tính kết thúc quý I/2024, tỷ lệ CASA đạt khoảng 29%, tăng 3% so với cuối năm 2023…
“Phát hành trái phiếu, vì thế, là một trong những giải pháp để các ngân hàng đảm bảo thanh khoản cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được phê duyệt. Tiền vào ngân hàng tăng những tháng đầu năm do các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, khi bất động sản trở lại thì lượng tiền bị rút khỏi ngân hàng khá lớn”- lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, so với nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là bất động sản, trái phiếu ngân hàng được nhìn nhận ở mức độ khá an toàn nên dù có kỳ hạn tương đối dài và lãi suất 5 - 6% nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư. Trên thực tế, phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là phù hợp với ngân hàng bởi các nhà băng có thể hạn chế bớt rủi ro gia tăng về chi phí vốn đầu vào khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.
Một điểm đáng lưu ý của việc trái phiếu ngân hàng “đắt hàng” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dù mức lãi suất không cao, đặc biệt so với nhóm trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chính là đánh giá của người mua về tính an toàn của mặt hàng. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa trải qua nhiều sóng gió và dần bước vào giai đoạn hồi phục, thì mức lãi suất 8, 10 hay 12,5%/năm của nhiều doanh nghiệp bất động sản đưa ra thực sự cao nhưng cũng dễ làm “chùn tay” nhiều nhà đầu tư dài hạn bởi nhiều doanh nghiệp đang ở trong cảnh chậm thanh toán cho nhà đầu tư. Báo cáo của MBS cho hay, hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 197,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả. |