Quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước
Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, những thành tựu đạt được; các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như cơ hội và thách thức trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng trong giai đoạn mới.
Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ, đi đầu cả nước và là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến nay, sự phát triển của 11 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước; quy mô kinh tế của vùng đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước.
“Đây là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; nhiều địa phương đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển và đã nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước” - ông Phạm Gia Túc nhấn mạnh.
Dẫn chứng từ tỉnh Nam Định, ông Phạm Gia Túc nêu, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) giai đoạn 2005-2020, tăng bình quân 6,91%/năm; quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 tăng gấp 7,5 lần năm 2005; thu nhập bình quân đầu người gấp 7,8 lần, thu ngân sách từ kinh tế địa phương gấp 9,7 lần; tổng giá trị xuất khẩu gấp 20,7 lần so với năm 2005.
Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (năm 2019). Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 106/204 xã, thị trấn (chiếm 52%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức là hoạt động hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực.
Đây sẽ là diễn đàn khoa học với các góc nhìn đa chiều, có chiều sâu, toàn diện về lý luận và thực tiễn, đánh giá không chỉ những thuận lợi, cơ hội mà còn chỉ ra những thách thức đối với sự phát triển bền vững của khu vực đồng bằng sông Hồng hiện nay và những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Đầu tư Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vùng đồng bằng sông Hồng có đầy đủ 5 loại hình giao thông với 08 tuyến cao tốc, chiều dài 496 km (chủ yếu là các các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội), 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.066 km, 06 tuyến đường sắt quốc gia, 37 tuyến đường thủy nội địa, 4 cảng biển, 3 cảng hàng không quốc tế.
"Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và địa phương quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư trong thời gian vừa qua; nhiều công trình giao thông có tính chất cửa ngõ lớn, hiện đại đã được xây dựng và phát huy hiệu quả" - ông Nguyễn Danh Huy khẳng định.
Gỡ điểm nghẽn để phát triển bền vững
Tuy nhiên, mặc dù hệ thống giao thông có sự phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn, thách thức lớn như tính liên kết vùng còn hạn chế, kết nối hạn chế giữa các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực và các cực tăng trưởng của vùng, hoạt động kết nối đa phương thức vận tải chưa hiệu quả, nguy cơ ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thủ đô, phát triển giao thông công cộng tại đô thị chưa có đột phá.
Tính đồng bộ giữa các loại hình vận tải chưa cao, chủ yếu là vận tải đường bộ, kết nối đa phương thức giữa đường bộ - đường thủy nội địa còn hạn chế. Hạ tầng đường sắt kém phát triển, chưa kết nối tốt với các công trình giao thông khác đặc biệt là cảng biển, việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường sắt tại vùng còn chậm. Hạ tầng đường thủy nội địa còn thiếu tính đồng bộ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tồn tại một số điểm nghẽn, hệ thống công trình phụ trợ còn yếu.
Hệ thống cảng biển thiếu cầu bến cho tàu có trọng tải lớn, đặc biệt là các bãi, bến cho tàu container vận hành trên các tuyến biển xa; hạ tầng sau cảng như: Hệ thống điện, nước và kết nối đường giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ và hàng không trong vùng và kết nối với mạng quốc gia... chưa đáp ứng yêu cầu để hệ thống logistics phát triển; hệ thống kho bãi, cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, sàn giao dịch vận tải và dịch vụ logistics trong vùng còn nhiều bất cập cả về không gian, công nghệ, tính đồng bộ và liên thông.
Chuyên gia kinh tế- TS. Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm: Khi bàn về kết nối hạ tầng, tôi thấy cách nối thông phát triển của các tỉnh trong khu vực chưa được tốt, tính liên kết chưa cao. Cấu trúc kinh tế xã hội quyết định cách chúng ta tư duy về hạ tầng và quy hoạch phát triển vùng như thế nào, quy hoạch từng tỉnh thế nào thì quyết định hạ tầng như vậy. Chúng ta không nên vì bức xúc hạ tầng hiện nay mà giải quyết hạ tầng tương lai, đó chỉ đúng một phần. Phải thay đổi cách nghĩ về phát triển vùng bắc bộ, hạ tầng số phải đặt vào sự phát triển của hạ tầng hôm nay.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia |
Đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ, vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 05 tỉnh thành phố có biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Vùng biển, ven biển của đồng bằng sông Hồng được đánh giá là vùng tương đối giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng các hệ sinh thái biển và có giá trị địa chính trị quan trọng ở khu vực.
Khác với phần nội địa, không gian kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng có thể đồng thời diễn ra nhiều hoạt động với các mục đích khác nhau, từ quốc phòng, an ninh đến hoạt động phát triển các ngành kinh tế biển và bảo vệ, bảo tồn giá trị tự nhiên, tài nguyên, sinh thái biển.
Chính vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, một số hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao của các ngành kinh tế chưa phù hợp với chức năng sinh thái của biển, làm nảy sinh một số mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, và mâu thuẫn giữa chính các ngành kinh tế biển với nhau, làm suy giảm giá trị và khả năng đáp ứng các dịch vụ của biển đối với những nhu cầu sống còn của con người, gây ra các hệ lụy như suy giảm nguồn lợi, tài nguyên và đa dạng sinh học, ô nhiễm, sự cố môi trường.
"Vùng biển và ven biển, hải đảo của đồng bằng sông Hồng cũng đang đối mặt với nhiều tác động biến đổi khí hậu cực đoan, đe dọa việc sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường biển của vùng" - đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ.
Phát triển bền vững không gian biển là chủ trương, định hướng lớn và trọng tâm của Đảng đối với việc khai thác, sử dụng không gian biển và phát triển các ngành kinh tế biển.
Theo đó, Quy hoạch không gian biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết, làm cơ sở cho phát triển bền vững vùng biển đồng bằng sông Hồng nói riêng, hài hòa, thống nhất với không gian biển của cả nước nói chung, góp phần thực hiện thành công 3 trụ cột của quá trình phát triển bền vững là tăng trưởng cao, đảm bảo ổn định và công bằng xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường biển, sức khỏe của biển cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Theo TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, để thực hiện các mục tiêu trên của vùng, việc phát triển các nguồn lực tài chính là yếu tố quan trọng.
Cùng với việc nắm bắt các xu hướng phát triển thị trường tài chính thế giới; bám sát các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính về phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng những yếu tố đặc thù của vùng đồng bằng sông Hồng để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, phát triển bền vững các nguồn lực tài chính, chú trọng xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng tài chính số và tài chính xanh, hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính khu vực và toàn cầu; phù hợp với điều kiện tài chính của địa bàn.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học.
Ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định, vùng đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đối với cả nước; khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu tổng kết Nghị quyết, trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã đưa ra một số định hướng, giải pháp lớn về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế biển; phát triển vùng và liên kết vùng; cơ chế, chính sách tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng và phát triển thị trường tài chính vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình và giai đoạn phát triển mới.