Dồn dập đơn “tố”, hàng nghìn người bị “lùa gà” chứng khoán Ngô Nam Những thủ thuật “lùa gà” của các tài khoản nhóm “chứng khoán Ngô Nam” |
Theo phản ánh của rất nhiều người chơi chứng khoán trong các nhóm thuộc “chứng khoán Ngô Nam”: Trong một thời gian dài, các tài khoản như: Nam Otc, Ngô Nam, Ngô Nam Ck…đã liên tục “đọc lệnh”, kêu gọi người tham gia nhóm mua các mã cổ phiếu gồm: VC2, VPG, BNA, PAS, ADS.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, các mã cổ phiếu này đều có nhiều biến động tăng mạnh, thậm chí có thời điểm tăng liên tục. Điểm chung của các mã này có giá ban đầu khá rẻ, chỉ dao động từ 7 đến khoảng 12 nghìn đồng/1 cổ phiếu. Tuy nhiên, qua một thời gian ngắn, các mã cổ phiếu này tăng giá lên gấp nhiều lần song sau đó một số mã lại tụt giảm.
Những mã cổ phiếu VC2, VPG, BNA, PAS, ADS có thời điểm tăng sốc |
Cụ thể: Với mã VC2 là cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (địa chỉ tầng 2-4, tòa B, Kim Văn - Kim Lũ, Hoàng Mai, Hà Nội) đang niêm yết trên sàn HNX. Tại thời điểm đầu năm 2021, mỗi cổ phiếu mã VC2 chỉ giao dịch khoảng 8.000 – 9.000 đồng. Đến thời điểm giữa tháng 3, giá bắt đầu tăng mạnh kèm khối lượng giao dịch lớn, thời điểm tháng 4 giá tăng lên hơn 14.000 đồng, đến tháng 6 lại tụt về khoảng giá 10.000 đồng. Bắt đầu từ tháng 6 giá tăng mạnh trở lại, thi thoảng có điều chỉnh nhưng vẫn xu hướng tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 12. Đỉnh điểm tháng 12/2021 giá cổ phiếu này đã tăng lên tới 59.320 đồng.
Bước sang năm 2022, đầu tháng 1 – 2, VC2 bắt đầu giảm xuống khoảng giá 36.000 – 43.000 đồng, trong tháng 3 – 4, giá tăng mạnh từ vùng giá 43.000 lên 56.000 đồng. Từ giữa tháng 4, giá cổ phiếu này liên tục lao dốc từ vùng giá 55.000 đồng về vùng giá 23.000 đồng vào thời điểm giữa tháng 6. Như vậy, giá cổ phiếu VC2 đã tăng gấp gần 6 lần chỉ trong hơn 1 năm.
Đối với mã cổ phiếu VPG của Công ty Cổ Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (có trụ sở tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng), hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Thời điểm tháng 11/2020, VPG chỉ giao dịch vùng giá 7.000-8.000 đồng bất ngờ tăng mạnh đến hết năm 2021 rồi kéo sang năm 2022. Đỉnh điểm là tháng 4-5/2022, VPG giao dịch vùng giá gần 60.000 đồng/cổ phiếu. Bắt đầu từ tháng 5/2022, giá cổ phiếu này rớt từ vùng giá gần 60.000 đồng về vùng giá 30.000 đồng.
Những mã cổ phiếu VC2, VPG, BNA, PAS, ADS có thời điểm tăng sốc |
Mã cổ phiếu BNA là mã chứng khoán của Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (địa chỉ tại toà nhà Bảo Ngọc, lô A2 đường CN1 phố Trịnh Văn Bô, phường Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang được giao dịch trên sàn HNX.
Những mã cổ phiếu VC2, VPG, BNA, PAS, ADS có thời điểm tăng sốc |
Qua tìm hiểu cho thấy, tại thời điểm tháng 2/2021, giá cổ phiếu BNA đang có giá khoảng 21.000 đồng, bắt đầu từ đây giá tăng mạnh, kèm thanh khoản lớn, đến tháng 11 thì BNA tăng lên vùng giá 48.000 đồng. Đến tháng 4/2022, mã BNA bắt đầu giảm mạnh từ vùng giá 46.000 đồng xuống vùng giá 17.000 đồng thời điểm cuối tháng 6/2022.
Những mã cổ phiếu VC2, VPG, BNA, PAS, ADS có thời điểm tăng sốc |
Còn đối với mã ADS là mã chứng khoán của Công ty cổ phần Damsan (địa chỉ Lô A4, Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Thái Bình), hiện đang giao dịch trên sàn HOSE. Tại thời điểm tháng 8/2020, ADS chỉ có giá hơn 6.000 đồng. Đầu năm 2021, ADS tăng mạnh từ vùng giá hơn 7.000 đồng lên hơn 15.000 đồng thời điểm cuối tháng 3, sau đó giảm về vùng giá 10.000 đồng. Bắt đầu từ tháng 5, giá tăng mạnh từ vùng giá 10.000 đồng lên gần 40.000 đồng thời điểm tháng 12/2021. Bắt đầu từ tháng 12/2021, ADS giảm mạnh kéo sang tháng 1/2022 về vùng giá 27.000 đồng. Sau đó bất ngờ lại được kéo mạnh lên vùng giá gần 39.000 đồng thời điểm giữa tháng 4/2022. Sau đó, cổ phiếu này bắt đầu tụt thảm hại từ vùng giá gần 39.000 đồng về hơn 17.000 đồng thời điểm cuối tháng 6/2022. Trên thị trường, giá cổ phiếu ADS đang được giao dịch quanh mốc 19.400 đồng/cổ phiếu, giảm 34,46% trong 1 tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch bình quân 404.923 cổ phiếu/phiên.
Những mã cổ phiếu VC2, VPG, BNA, PAS, ADS có thời điểm tăng sốc |
Đối với mã PAS là mã chứng khoán của Công ty Cổ phần Quốc tế Phương Anh (trụ sở chính tại Tổ dân phố Tứ Mỹ, Phường Phùng Chí Kiên, Thị xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên), hiện đang giao dịch trên sàn UPCoM. Đầu năm 2021, mã cổ phiếu này chỉ có giá hơn 9.000 đồng đã bất ngờ tăng mạnh đến giữa tháng 3 là gần 16.000 đồng, sau đó giảm mạnh về giá 13.000 đồng vào tháng 4/2021. Những tháng tiếp theo cũng có “sóng” lên rồi xuống. Đến tháng 7, giá cổ phiếu PAS bất ngờ tăng mạnh kèm thanh khoản rất lớn từ vùng giá 13.000 đồng lên gần 25.000 đồng vào giữa tháng 12. Bắt đầu từ tháng 12/2021 cổ phiếu liên tục giảm từ 25.000 đồng qua nhiều phiên liên tiếp với khối lượng bán rất lớn về vùng giá 18.000 đồng vào thời điểm cuối tháng 1/2022. Bất ngờ, từ cuối tháng 1/2022, giá cổ phiếu PAS lại tiếp tục được kéo lên vùng giá 25.000 đồng vào cuối tháng 3/2022. Đến tháng 4/2022, mã này tụt mạnh từ vùng giá gần 25.000 đồng về vùng 7.000-8.000 vào cuối tháng 6. Đây là giai đoạn rất nhiều người chơi mã này đã gần như “cháy tài khoản”.
Theo những nhà đầu tư chứng khoán, các mã này có mô hình tăng giá cao và giảm giá sâu như những “con sóng lớn”, nếu chẳng may mua phải giá “đỉnh sóng” thì không biết bao giờ mới “về bờ” được.
Sau khi Báo Công Thương phản ánh sự việc, hai công ty sở hữu các mã chứng khoán PAS và BNA đã phản hồi về toà soạn cho biết, "không liên quan gì tới vụ việc các nhóm chứng khoán mang tên Ngô Nam". Về phía ông Ngô Nam, trong cuộc làm việc với Báo Công Thương sáng 28/6 cũng khẳng định việc ông lựa chọn và khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia mua 5 mã chứng khoán nêu trên dựa trên phân tích, tìm hiểu cá nhân, không có động cơ hay mối liên hệ nào liên quan tới các công ty sở hữu các mã chứng khoán.