Vụ Đa biên tham gia Phiên họp chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 19 trù bị năm 2013 |
Hơn 20 năm vượt khó
Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới kinh tế, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, ngày 8/11/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Vụ Chính sách thương mại đa biên, trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Vụ có vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng trong quá trình quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế, thương mại trong các khuôn khổ hợp tác với WTO, ASEAN; giữa ASEAN và các bên đối tác (ASEAN+); diễn đàn APEC, ASEM, UNCTAD và các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế khác đồng thời tham gia đàm phán các điều ước quốc tế về thương mại theo phân công của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Hơn 20 năm qua, với tinh thần nỗ lực chủ động, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã xây dựng được đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn đồng đều, bản lĩnh chính trị cao và sẵn sàng chấp nhận mọi công việc khó khăn mà đất nước giao phó.
“Chặng đường dài vừa qua, Vụ đã có niềm vui, hạnh phúc khi đất nước trở thành thành viên của WTO hay mỗi khi hoàn tất đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, chặng đường ấy cũng để lại nhiều bài học để nghĩ suy” - ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng chia sẻ.
Thực tế, công tác ngoại giao kinh tế luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thậm chí, có những phiên đàm phán được ví như cuộc đối đầu cân não. Với Vụ Chính sách thương mại đa biên, dù gánh vác trọng trách nặng nề song chỉ có 38 công chức. Bởi vậy, Vụ đã phân chia nhân lực trên nhiều mảng việc quan trọng và phức tạp khác nhau, từ việc trực tiếp tham gia đàm phán các FTA cho đến tham mưu các cấp lãnh đạo tham dự hội nghị thường niên trong khuôn khổ các tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tất cả những công việc đó đều được thực hiện bởi những cán bộ trẻ của Vụ - đầy nhiệt huyết, xông pha, không quản ngại gian khó. Tuy nhiên, do phải thường xuyên đi công tác nước ngoài, họ không có nhiều điều kiện tham dự các khóa đào tạo dài hạn như tiến sĩ, khóa học nâng cao về chuyên môn cũng như khóa đào tạo lý luận chính trị cao cấp. Cán bộ của vụ thường xuyên phải kiêm nhiệm các công tác chuyên môn cũng như công tác đoàn thể. Điều này đòi hỏi các cán bộ ngoài thời gian đi công tác xa nhà còn phải dành nhiều thời gian ngoài giờ làm thêm tại cơ quan, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Vụ Chính sách thương mại đa biên không ngừng nỗ lực và phát huy tinh thần chủ động, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn đạt được nhiều thành tích xuất sắc nổi bật trong giai đoạn 2010-2015.
Góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế
Nhìn lại giai đoạn 2006 - 2010, ông Lương Hoàng Thái cho biết: Vụ đã đạt được một số thành tích xuất sắc, trong đó có việc đàm phán thành công việc Việt Nam gia nhập WTO, đăng cai các hội nghị APEC 2006 hay tăng cường hội nhập toàn diện trên mọi diễn đàn ASEAN, APEC, ASEM... Với những thành tích như trên, năm 2006, Vụ đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Thành tích đó thực sự đã trở thành động lực cho các cán bộ của Vụ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mới.
Giai đoạn 2010-2015, với vai trò là cơ quan chủ trì công tác điều phối, Vụ Chính sách thương mại đa biên đóng góp lớn trong việc ký kết thành công một loạt các FTA thế hệ mới với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam như EU, và các nước trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu sắc hơn với nền kinh tế thế giới.
Cũng trong giai đoạn này, Vụ cũng là cơ quan đầu mối điều phối Việt Nam tham gia hội nhập sâu sắc và toàn diện trong ASEAN, với dấu ấn lịch sử là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. Đối với mảng APEC, Vụ đã đóng góp để Việt Nam ngày càng trở thành thành viên tích cực và chủ động trong diễn đàn hợp tác này.
Làm rõ hơn những kết quả trên, ông Thái cho hay, tại sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 20 (tháng 5/2014) diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm liên quan đến vấn đề Biển Đông. “Vụ Vụ Chính sách thương mại đa biên, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ cũng như dựa vào tình hình thực tế tại hội nghị, đã có những biện pháp xử lý đối ngoại linh hoạt, đảm bảo sự phối hợp quan điểm một cách hài hòa và hợp lý với các nền kinh tế APEC. Nhờ vậy, một mặt vẫn bảo vệ quan điểm của Việt Nam nhưng mặt khác góp phần vào thành công chung của Việt Nam tham gia APEC năm đo” - ông Thái nhớ lại.
Ngoài ra, Vụ còn là đơn vị đầu mối quản lý và triển khai thực hiện Dự án MUTRAP III với tổng kinh phí Ủy ban châu Âu (EC) dành cho Việt Nam là 10 triệu Euro. Theo EC, Dự án MUTRAP III được đánh giá là “Dự án rất thành công, đạt hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu và ưu tiên của các bên hưởng lợi”. Dự án đã đóng góp tích cực trong việc tăng cường năng lực của Bộ Công Thương, xây dựng và thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế và thương mại của Việt Nam. EC đã chọn Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III là dự án điển hình thành công của EC trong khu vực, và là 1 trong 4 dự án hỗ trợ kỹ thuật thành công nhất của EC trên toàn thế giới.
Với đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã được trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (2004), hạng Nhì (2006); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 thành lập, Vụ đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. |