Vụ biệt thự tai tiếng: Thành phố Hà Nội yêu cầu xem xét trách nhiệm chủ tịch quận Cầu Giấy Biệt thự “khủng” xây sai phép: Trách nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch quận Cầu Giấy ở đâu? |
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy vừa ký văn bản thừa nhận để xảy ra sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng tại căn biệt thự số 09B, phường Yên Hoà nhưng tập thể, cá nhân lãnh đạo quận chỉ xin rút kinh nghiệm và có dấu hiệu “đẩy” trách nhiệm cho cấp dưới.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy có “phủi” trách nhiệm ?
Mới đây, thông tin trên báo chí, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã ký và ban hành báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội liên quan đến sai phạm tại biệt thự số 09 khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Sai phạm tại căn biệt thự số 09 khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa vẫn ngang nhiên tồn tại |
Báo cáo do ông Bùi Tuấn Anh ký thừa nhận có nhiều sai phạm tại căn biệt thự này. Cụ thể, ngày 16/11/2020, chủ đầu tư là gia đình ông Phạm Văn Duyên bắt đầu khởi công xây dựng căn biệt thự trên ô đất được cấp phép. Tuy nhiên, công trình này đã được xây dựng với quy mô 1 tầng hầm, 3 tầng nổi, 1 tầng áp mái; mật độ xây dựng khoảng 50%. Có thể thấy chủ đầu tư đã tự ý thi công tăng mật độ xây dựng lên gần gấp đôi, xây thêm 1 tầng hầm và 1 tầng áp mái.
Báo cáo của UBND quận Cầu Giấy còn cho rằng: Quận đã có ít nhất 5 văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ xử lý. Bên cạnh đó, vi phạm của chủ đầu tư cũng đã được UBND phường Yên Hòa, Đội Quản lý trật tự xây dựng quận kiểm tra, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý; lập nhiều biên bản, thông báo đề nghị dừng thi công. Đồng thời, các đơn vị đề xuất UBND quận ra quyết định cưỡng chế, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Không rõ những “quyết liệt” trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo quận Cầu Giấy nói chung và ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận đến đâu để xử lý dứt điểm sai phạm. Trong khi những sai phạm kéo dài tại căn biệt thự này đã trở thành “điểm đen” gây nhức nhối đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại quận Cầu Giấy. Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã từng phải rất bức xúc khi đã cho rằng: Việc vi phạm pháp luật trắng trợn như thế mà không xử lý, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện Quốc hội thậm chí cả Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội giải quyết, thông báo về kết quả sự việc nhưng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để. Dường như sự việc đang có dấu hiệu thách thức dư luận, thách thức cả Trung ương là không thể chấp nhận”.
Trụ sở UBND quận Cầu Giấy |
Không những thế, sau những “chỉ đạo quyết liệt” của UBND quận Cầu Giấy thì công trình này không những không bị cưỡng chế, tháo dỡ mà còn ngang nhiên cắt bỏ hàng rào để hoàn thiện thi công và hiện giờ vẫn tồn tại “trơ gan cùng tuế nguyệt” như coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, sự “mẫn cán”, đấu tranh “không khoan nhượng” với tiêu cực của lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy.
Ngoài báo cáo về sự “quyết liệt” vào cuộc của UBND quận Cầu Giấy đối với sai phạm tại căn biệt thự này, ông Bùi Tuấn Anh còn thẳng thắn cho biết: Việc thực hiện trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã được phân công cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các trưởng phòng, ban, đơn vị. Riêng ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch, UBND – HĐND quận.
Trước câu trả lời của ông Bùi Tuấn Anh Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, dư luận cho rằng, phải chăng Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đang “đùn đẩy” trách nhiệm cho cán bộ cấp dưới hay không dám trung thực, nhìn nhận khuyết điểm của người đứng đầu để sửa chữa mà còn có dấu hiệu “dí tốt… thế thân” hay cho rằng việc kiểm điểm bản thân là đang tự “lấy đá ghè chân mình” ? Liệu ông Bùi Tuấn Anh có hoàn toàn vô can hay không hề hay biết, thậm chí buông lỏng, thờ ơ với những sai phạm “nổi cộm” tại căn biệt thự này ?
Trong khi đó, nhìn nhận về trách nhiệm của người đứng đầu đối với sự việc này, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Việc xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy, dẫn đến cả Trung ương, Quốc hội, thành phố, hàng loạt các cơ quan báo chí vào cuộc thì không thể không bàn đến trách nhiệm của người đứng đầu. Trách nhiệm của người đứng đầu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra, có quy định, có thể chế chính trị, thể chế pháp lý rõ ràng mà không xem xét thì vấn đề này còn thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội.
“Sợi dây” kinh nghiệm… rút đến bao giờ ?
Được biết, trong báo cáo mới đây, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: Ngày 12/4/2022, Chủ tịch UBND quận đã ban hành 3 Quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để áp dụng kỷ luật đối với 3 công chức của quận và lãnh đạo phường Yên Hòa.
Đồng thời, tập thể lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy đã họp, nghiêm túc đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện quy định, xác định trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các trách nhiệm, nhiệm vụ của UBND quận đối với vi phạm tại công trình xây dựng tại số 9 nhà B khu biệt thự 5,2ha phường Yên Hòa. Qua đó, UBND quận, lãnh đạo quận nghiêm túc rút kinh nghiệm, coi đây là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, tiếp tục chỉ đạo để khẩn trương khắc phục các tồn tại.
Được biết, liên quan đến việc thi hành kỷ luật, hiện UBND quận Cầu Giấy mới chỉ thực hiện đối với các cán bộ cấp dưới, cán bộ phụ trách. Cụ thể, kỷ luật công chức với hình thức cảnh cáo ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa; khiển trách ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa và ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy. Trong khi đó, trách nhiệm của Chủ tịch quận Bùi Tuấn Anh, Phó chủ tịch quận Trần Việt Hà với cương vị là người đứng đầu quận Cầu Giấy và trực tiếp quản lý lĩnh vực vẫn chưa được đề cập, nêu rõ khiến dư luận hoài nghi liệu lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy có đang “bao che” cho nhau ?
“Dư luận cho rằng, như thế bao che cho nhau, chỉ là dí tốt, vẫn giữ lại quân tướng mà không xử lý. Như vậy là không nghiêm minh, dư luận không phục”, ông Lưu Bình Nhưỡng đưa ra quan điểm.
Những bức xúc, hoài nghi của dư luận không phải là không có cơ sở khi công trình này vi phạm suốt một thời gian dài, rất nhiều cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội, thậm chí Văn phòng Trung ương Đảng cũng đề nghị xử lý, báo cáo kết quả nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Câu hỏi về trách nhiệm của ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy với cương vị người đứng đầu liệu có hoàn toàn không biết hay “đứng ngoài cuộc” vẫn đang còn bỏ ngõ ? Đặc biệt, dù đã có tới 5 lần ra văn bản nhưng công trình vẫn tồn tại liệu phải chăng đang có dấu hiệu tiêu cực và UBND quận Cầu Giấy đang để sai phạm “rơi” vào tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”, trước sự “bất lực, vô can” của cả hệ thống chính quyền ?
Hiện câu hỏi khiến dư luận quan tâm nhất bây giờ là đến khi nào sai phạm tại căn biệt thự này mới được cưỡng chế, tháo dỡ thể hiện cho được sự quyết tâm của lãnh đạo UBND quận không “đầu hàng” trước hành vi coi thường luật pháp ? Đồng thời, UBND quận Cầu Giấy cho biết, sự việc là bài học và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Liệu lãnh đạo UBND quận có thực sự đã rút ra được bài học và kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng từ vụ việc này hay không khi mà một “phiên bản biệt thự tai tiếng” tại số 169 phố Trung Kính, Cầu Giấy đã xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất công nhưng suốt 2 năm qua UBND quận Cầu Giấy vẫn chưa thể cưỡng chế tháo dỡ. Vậy kinh nghiệm trong quản lý trật tự xây dựng tại Cầu Giấy sẽ còn phải trải qua bao nhiêu bài học nữa để không tồn tại những “điểm đen” nhức nhối như các công trình kể trên ?
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin.