Phải làm rõ nguyên nhân tại sao Việt Nam "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế? Hanwah Hotels & Resorts và Lodgis bắt tay hợp tác chiến lược, đón đầu nhu cầu hồi phục của du lịch |
Phục hồi du lịch… vẫn câu chuyện visa
Tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10/3, các ý kiến đều nhận định rằng: Du khách quốc tế đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ văn hóa, dân trí, giúp ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Hút khách quốc tế là cứu cánh trong việc thúc đẩy du lịch phục hồi, tăng trưởng, trở thành một trong những ngành then chốt trong nền kinh tế.
Tuy vậy việc thu hút khách quốc tế của Việt Nam sau dịch vẫn còn chậm chạp - dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Và nút thắt đầu tiên chính là câu chuyện visa.
Khách quốc tế đến Việt Nam hiện vẫn chưa bằng mức trước dich |
Bàn về câu chuyện visa, bà Trần Nguyện - Phó Tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group cho rằng, nút thắt visa không phải là duy nhất nhưng lại là cánh cửa đầu tiên để phục hồi du lịch.
Dẫn chứng từ các khu du lịch của doanh nghiệp này, bà Trần Nguyện cho biết, mặc dù Việt Nam đã mở cửa cho khách quốc tế được 1 năm nay song lượng khách đến các điểm du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc vẫn còn thấp. Cụ thể trong giai đoạn cao điểm Tết vừa qua lượng khách quốc tế đến Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) chỉ phục hồi khoảng 55% so với mức 5 triệu du khách ở thời điểm trước dịch. Tương tự tại Phú Quốc trong mùa quý IV và quý I - mùa inbound (mùa khách nước ngoài vào) tụt giảm cũng gần 50%. Tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), có những tuần đóng cửa vì du khách không đủ đông. Tình trạng sụt giảm lượng khách có nguyên nhân lớn từ việc thiếu vắng khách quốc tế.
“Trong khi Việt Nam chậm chạp thì các điểm đến khác đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để hút khách. Chẳng hạn, Đài Loan tặng 165 USD cho 500.000 du khách cá nhân, Hồng Kông tặng 500.000 vé máy bay cho khách quốc tế, Hàn Quốc với chuỗi sự kiện "Văn hóa Hàn Quốc không điểm dừng" và hòa nhạc Hallyu ở 50 thành phố lớn trên thế giới. Philippines lên kế hoạch hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài…”- bà Nguyện nói.
Theo bà Trần Nguyện, có rất nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam chưa hút được khách quốc tế và rào cản lớn hiện nay là chính sách visa. “Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho162 quốc gia, Phillipines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia… Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào”- bà Trần Nguyện cho biết.
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia hội thảo |
Thực tế, theo TS Phạm Trung Lương, câu chuyện visa cho khách du lịch quốc tế là thử thách đã kéo dài từ lâu không phải đến bây giờ. Xét trên tổng thể, Việt Nam là một điểm không thua kém các nước trong khu vực, có 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà thế giới đã công nhận. Đây là nền tảng hấp dẫn du khách rất lớn mà không phải nước nào cũng có. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa cấp quốc gia cũng nhiều, có nhiều bãi biển mang tầm quốc tế. Đặc biệt, chúng ta là điểm đến rất an toàn thân thiện... là những tiêu chí quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Còn theo TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, 2 ngành du lịch và hàng không Việt Nam đang hết sức khó khăn sau đại dịch, mà nguyên nhân trực tiếp là do thị trường du lịch quốc tế có sự phục hồi quá thấp so với trước Covid-19. Cụ thể tất cả các hãng hàng không nước ta đều đang "ngập ngụa trong lỗ, nợ", trong đó Vietnam Airlines bị lỗ lũy kế hơn 34.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỉ đồng, có nguy cơ bị hủy niêm yết. Công ty con Pacific Airlines lỗ lũy kế hơn 10.000 tỉ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Bamboo Airways mới hoạt động chưa lâu đã gặp đại dịch Covid-19, không còn những thông tin đẹp đẽ như lâu nay, vừa rồi công bố lỗ lũy kế hơn 16.000 tỉ đồng…
Theo TS. Lương Hoài Nam, cá nhân ông không bao giờ nói rằng chính sách visa là nguyên nhân gây ra những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam đã và đang mắc phải. Tuy nhiên, nếu cởi mở chính sách visa song song quảng bá du lịch là thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp du lịch, đặc biệt mang thêm ngoại tệ vào đất nước.
Nâng thời gian lưu trú lên 30 - 45 ngày và cho xuất nhập cảnh nhiều lần
Trong bối cảnh hiện nay, TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, việc thu hút khách quốc tế là hết sức quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam vì đóng góp vào phát triển kinh tế.
Đề xuất các giải pháp phục hồi du lịch, TS Lương Hoài Nam kiến nghị: Cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cho du khách vào ra nhiều lần. Đặc biệt, mở rộng các nước được cấp eVisa; nâng cấp hệ thống eVisa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách eVisa để cạnh tranh với các nước. Phải coi chính sách visa là một "công cụ cạnh tranh thu hút du khách quốc tế của Việt Nam".
Ở góc độ doanh nghiệp, theo bà Trần Nguyện, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè này. Trong dài hạn, bà Nguyện đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Xem xét thêm việc miễn phí visa cho một số nước có nhu cầu ở dài như Úc, New Zealand… Ngoài ra, cần nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam qua mọi phương tiện: đường hàng không, đường tàu biển, đường bộ qua các cửa khẩu. Việt Nam không chỉ quan tâm đến khách đi đường hàng không, mà cần chú trọng đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, phương tiện đi lại, tạo sự thuận lợi tối đa cho khách ở các thị trường nước láng giềng đi qua các cửa khẩu biên giới…