Điện lực Hà Tĩnh “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kêu gọi tiết kiệm điện Tại sao phải sử dụng điện tiết kiệm? |
Chia sẻ khó khăn với ngành điện
Công văn của tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán đã làm cho các hồ thủy điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng và dự báo việc thiếu hụt này sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô năm 2023, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cấp điện của cả nước.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho biết, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã phân bổ công suất sử dụng cho các Tổng Công ty phân phối tại văn bản số 1586/ĐĐQGTTĐ ngày 12/5/2023, đồng thời Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phân bổ công suất cho tỉnh Vĩnh Phúc vào cao điểm trưa từ 620-645MW, cao điểm tối từ 620- 635MW trong các ngày từ 17-19/5/2023. Trong điều kiện nguồn khả dụng của hệ thống điện xuống thấp, công suất phân bổ cho tỉnh Vĩnh Phúc có thể thấp hơn mức phân bổ trên.
Trên thực tế, vào khung giờ cao điểm trưa từ 12h00-15h00, cao điểm tối từ 20h30-24h00, công suất tỉnh Vĩnh Phúc có thể đạt từ 850-900MW. Như vậy, khi nguồn điện thiếu hụt, công suất có thể phải tiết giảm tỉnh Vĩnh Phúc từ 173- 273MW gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.
Để đảm bảo cung ứng điện, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh phối hợp với Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CTTTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 18/5/2023 của UBND tỉnh về việc đảm bảo cung ứng điện, thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo an toàn điện trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, yêu cầu Công ty Điện lực Vĩnh Phúc chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông về những khó khăn trong việc cung ứng điện mùa nắng nóng trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.
Không bật điều hoà dưới 26 độ C để tiết kiệm điện |
Không bật điều hoà dưới 26 độ C, sử dụng trang phục dễ thoát nhiệt
Với các sở ban, ngành; đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sở hữu, vận hành tòa nhà, trường học, bệnh viện, yêu cầu thực hành các hành động cụ thể để tiết kiệm điện như: Không để điều hòa làm mát dưới 26 độ C; bật máy điều hoà trễ hơn 60 phút sau khi bắt đầu làm việc và tắt máy điều hòa sớm hơn 60 phút trước khi hết giờ làm việc; cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh sử dụng trang phục dễ thoát nhiệt trong các ngày nắng nóng.
Cùng với đó, xây dựng nội quy và tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về sử dụng điện tiết kiệm tại cơ quan, đơn vị, cụ thể: Các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ; các trường học, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời được yêu cầu: Tắt toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng trang trí, quảng cáo, cảnh quan,… ngoài trời trong các giờ cao điểm của ngày nắng nóng, thiếu nguồn công suất khi có thông báo của Điện lực địa phương.
Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp nhằm triệt để tiết kiệm 50% điện năng tiêu thụ các tháng mùa hè năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Thường xuyên thực hành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả như: Không nên để thiết bị điện ở trạng thái chờ; Sử dụng các thiết bị có dán nhãn xác nhận là sản phẩm tiết kiệm điện; Lắp các thiết bị cảm biến chuyển động để tránh lãng phí điện…
Các doanh nghiệp sản xuất và các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công thương, khi có thông báo của đơn vị điện lực. Xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: Đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phấn đấu tiết kiệm 2,0% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm; rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có liên quan.
Ban Quản lý các Khu Công nghiệp chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phối hợp với các đơn vị phân phối, bán lẻ điện trong khu công nghiệp: Tăng cường công tác truyền thông về tình hình khó khăn trong việc cung ứng điện trong năm 2023 tới từng công ty, nhà máy trong khu công nghiệp để các khách hàng này biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.
Cùng với đó, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp triển khai triệt để các giải pháp tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải đỉnh, huy động các nguồn phát dự phòng. Tắt toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng trang trí, quảng cáo, cảnh quan… ngoài trời trong các giờ cao điểm của ngày nắng nóng, thiếu nguồn công suất khi có thông báo của Điện lực địa phương. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tại các khu công nghiệp.