Bảy tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp có nhiều điểm sángThu hút vốn FDI vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ: Làm sao hiệu quả? |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 7/2024, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có sự tăng trưởng tích cực so với tháng trước và cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,49% so với tháng trước và tăng 19,93% so với cùng kỳ năm trước. Đây được đánh giá là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay, với mức tăng này, sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đã có chuỗi tăng 5 tháng liên tiếp.
Tháng 7/2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,49% so với tháng trước và tăng 19,93% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Khánh Linh) |
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2023, như sau: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 18,89%; sản xuất xe máy tăng 38,56%; thức ăn chăn nuôi tăng 30,12%; giày, dép thể thao tăng 23,3%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái như sau: Thức ăn chăn nuôi tăng 18,9%; linh kiện điện tử tăng 15,3%; gạch ốp lát tăng 10% và xe máy tăng 7,53%. Trong khi đó, các mặt hàng chủ lực khác là ô tô và giày, dép thể thao có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô giảm 8,75%; giày, dép thể thao giảm 5,10%.
Cũng theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sản phẩm linh kiện điện tử 7 tháng đầu năm tăng 15,3% so cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng này, sản phẩm linh kiện điện tử giữ vai trò động lực tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và nền kinh tế của địa phương, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế - chính trị thế giới khiến chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn, đơn hàng suy giảm, nhưng các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử thông minh như: Máy tính bảng, điện thoại di động, laptop, đồng hồ thông minh gia tăng.
Đây là yếu tố chính giúp các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh như: Compal, BH Flex, DKT Vina, Interflex Vina, Arcadyan... có được đơn hàng ổn định từ các đối tác là các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Dell, SamSung, Google. Điều này đã khiến doanh thu từ sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục tăng so với tháng trước và tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm linh kiện điện tử 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 15,3% so cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Khánh Linh) |
Bên cạnh linh kiện điện tử, gạch ốp lát ước tính sản lượng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng sau một thời gian dài trầm lắng đến nay đã và đang có dấu hiệu khởi sắc. Nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở và các công trình phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngươi dân gia tăng, công tác giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt kết quả tích cực, tiến độ thi công các công trình cơ bản đảm bảo kế hoạch, đã thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp gia tăng sản lượng và doanh thu cho các doan nghiệp trong ngành.
Sản lượng xe máy 7 tháng năm 2024 ước tăng 7,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 7/2024, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục ra mắt thị trường một số dòng sản phẩm mới với nhiều cải tiến về kiểu dáng, hiệu suất và công nghệ. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, hỗ trợ lệ phí đăng ký, tặng Voucher, tặng quà... để kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng tiêu thụ và sản xuất. Đặc biệt, Công ty Honda, Piagio đã đầu tư mở rộng danh mục sản phẩm, bổ sung các dòng xe có nhiều tiềm năng phát triển như thể thao, phân khối lớn, động cơ điện...... Sau khoảng thời gian trầm lắng, nhu cầu mua xe máy của người dân gia tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng sản lượng sản xuất.
Mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 7 và 7 tháng đầu năm tăng, tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thị trường ô tô vẫn còn nhiều khó khăn, sản lượng của hầu hết các mẫu ô tô sản xuất, lắp ráp đều giảm; sản lượng ô tô giảm 10,62% so với cùng kỳ.
Sản lượng ô tô 7 tháng đầu năm ước giảm 8,75% so với cùng kỳ, do đây là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô trong 7 tháng đầu năm kém sôi động, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn. Sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp trong ngành là Toyota, Honda đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và nhu cầu của thị trường.
Để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch. Cùng với đó, tăng cường mở rộng nguồn thu và điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp…