Tăng khá ở nhóm ngành công nghiệp chủ lực
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 7/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khiến chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước giảm 0,37% so với tháng trước và giảm 6,75% so với cùng kỳ năm trước.
"Như vậy, đây là tháng thứ 2 trong năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận mức sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc lý giải, một phần nguyên nhân là do, tháng 7 năm trước, kinh tế của tỉnh ghi nhận sự phục hồi của ngành sản xuất công nghiệp sau thời gian suy giảm do bùng phát dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, tháng 7 năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn xác định tâm thế “vừa sản xuất, vừa chống dịch”, cùng với đó, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước vẫn bị hạn chế do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, khiến doanh nghiệp trên địa bàn phải cắt giảm số lượng so với kế hoạch sản xuất, dẫn đến chỉ số sản xuất tháng 7 giảm so với cùng kỳ năm 2020" - Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc nêu trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm.
Một số nhóm ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá |
Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn vẫn đạt mức tăng 17,01% so với cùng kỳ năm 2020. Trong các ngành công nghiệp cấp II, có tới 18/24 ngành có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn đạt mức tăng khá, cụ thể: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 20,1%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 41,42% ... Một số ngành công nghiệp khác tiếp tục ổn định và có sự gia tăng trong kỳ là: Ngành sản xuất kim loại tăng 15,9%; ngành sản xuất khoáng phi kim loại tăng 7,68%; sản xuất trang phục tăng 12,67%; da giày tăng 21,21%...
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất
Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê Vĩnh Phúc, trong tháng 7, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng nhẹ ở mức 0,75% so với tháng trước. Tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp trong tháng đã được cải thiện hơn do một số lao động tháng trước phải nghỉ cách ly theo yêu cầu hoặc xin nghỉ việc tạm thời do áp dụng chính sách hạn chế di chuyển đã đủ điều kiện để quay lại sản xuất.
Trong tháng 7/2021, tỉnh cũng đã đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho phép người lao động nước ngoài được phép nhập cảnh vào Vĩnh Phúc làm việc đối với nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao cho 31 doanh nghiệp với 96 người nước ngoài. Bên cạnh đó, nhờ kết quả tích cực từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, nên địa bàn tỉnh không có hiện tượng doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc, nghỉ luân phiên do thiếu việc làm. Đó cũng là lý do, sản xuất công nghiệp trên địa bàn 7 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù vậy, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covis-19 khiến chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2021 giảm 5,14% so với tháng trước và giảm 3,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 tăng 5,31% so với tháng trước và tăng 95,54% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ và giảm tồn kho vào những tháng cuối năm, theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được lãnh đạo UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, bên cạnh duy trì thường xuyên Chương trình “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần”, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến tham vấn, đề xuất của doanh nghiệp về những cơ chế, chính sách nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.