Vĩnh Phúc: Công nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp-xây dựng 14,5-15,5% |
![]() |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương nhân dịp năm mới Ất Tỵ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khẳng định, Vĩnh Phúc đang hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. |
Có thể nói, năm 2024 là một năm vô cùng khó khăn, thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, tỉnh cũng lại được đánh giá là năm thành công đối với tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tình hình kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 có nhiều khởi sắc, 15/15 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mục tiêu kế hoạch năm; trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt ngoài dự báo như: Tốc độ tăng trưởng đạt 7,52%, cao hơn bình quân chung của cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,3% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 12,55%; tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 31.700 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 26.279 tỷ đồng, cao hơn dự toán trung ương giao 1.200 tỷ đồng. Với kết quả tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,52%, Vĩnh Phúc đứng thứ 26 cả nước về tăng trưởng GRDP, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước là 7,09%. Quy mô GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc theo giá hiện hành ước đạt khoảng 173 nghìn tỷ đồng, nằm trong nhóm 15 tỉnh có quy mô lớn nhất cả nước, tăng 10% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng, tăng 11,3 triệu đồng so với năm 2023. Từ quý III/2024, công tác giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh. Tổng số vốn kế hoạch năm 2024 được giao là 8.750,979 tỷ đồng; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh ước đạt 95%, trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khá của cả nước. Để có được kết quả tích cực trên, bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh, thành phố, nhất là trong đợt bão số 3 vừa qua, Vĩnh Phúc đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo, điều hành; lãnh đạo chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc. Triển khai, cụ thể hóa các chính sách vĩ mô, Nghị quyết, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt tháo gỡ vướng mắc về chính sách đất đai, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, miễn giảm thuế trước bạ, giảm lãi suất vay, phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao... Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, Vĩnh Phúc cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, địa phương để chỉ đạo, tổ chức quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, tổ chức hơn 100 cuộc họp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô; rà soát xây dựng và ban hành Chương trình hành động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng các khu công nghiệp, đầu tư công. Vĩnh Phúc cũng triển khai sớm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung thu hút đầu tư chuỗi bán dẫn, chip, vật liệu mới và triển khai đề án phát triển nhân lực lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Rà soát nguồn lực, phân bổ ngay nguồn vốn ngân sách, đặc biệt vốn đầu tư công Chính phủ giao, đồng thời rà soát nguồn lực từ ngân sách địa phương bổ sung chi cho đầu tư phát triển năm 2024 hơn 1.000 tỷ đồng… |
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Công điện số 140/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mục tiêu phấn đấu từ 10-11%, theo đó ngành công nghiệp xây dựng phải tăng từ 14,5-15,5%; ngành dịch vụ tăng từ 8-9%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 2,5-3%. Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01-NQ/CP của Chính phủ, trong đó chi tiết kịch bản tăng trưởng phấn đấu trên 10% theo từng quý gắn với trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Thứ hai, hoàn thành sớm việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tiếp tục rà soát, thực hiện mạnh mẽ hơn các quy định về phân cấp, phân quyền, phân rõ trách nhiệm,… trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp và các cơ quan ở địa phương. Đồng thời, tập trung triển khai thi hành các Luật mới được ban hành, nhất là Luật Đất đai, Luật Đầu tư công,… để tháo gỡ các nút thắt về bồi thường - giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án hạ tầng khu công nghiệp, dự án nhà ở xã hội… Thứ ba, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, có giá trị gia tăng cao, tham gia toàn diện vào chuỗi giá trị toàn cầu; Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, quyết liệt, tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, tồn đọng theo Công điện 112/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để sớm đưa dự án vào sử dụng. Tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án giao thông có tính kết nối liên vùng, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện, đảm bảo cấp điện ổn định, nguồn nước sạch, hệ thống xử lý chất thải hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn thu hút dự án bán dẫn. Thứ năm, rà soát các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; trong đó tỉnh ưu tiên triển khai hợp tác với các tập đoàn có uy tín để đào tạo nhân lực chất lượng cao về các ngành công nghiệp bán dẫn, logistics, điện, điện tử và cơ khí; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trên địa bàn tỉnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư trên địa bàn… |
Ngoài những giải pháp trên, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ đạo thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã. Hoàn thành sắp xếp tổ chức, bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo hướng bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Quyết tâm xử lý dứt điểm các vướng mắc và chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chi tiết cụ thể hóa các kịch bản phát triển theo phương án tăng trưởng cao nhất, trong đó giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhất là hạ tầng khu công nghiệp và sản xuất công nghiệp, tạo động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh. Kịp thời thực hiện các chính sách về thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Chi ngân sách chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng hiệu quả, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. |
![]() |
Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại 1, làm tiền đề trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững. Vĩnh Phúc cũng là hạt nhân thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng, người dân có mức sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc… Đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, có nền văn hoá tiên tiến, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống… Để đạt được mục tiêu đó, Quyết định 158 cũng đưa ra những phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó ngành công nghiệp được định hướng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô – xe máy… Nhằm hiện thực hoá mục tiêu tại Quyết định 158, Vĩnh Phúc đang định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như: Sản xuất các sản phầm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển các ngành cơ khí, chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại, phát triển trở thành công nghiệp nền tảng, tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp… Phát triển các ngành chế biến thực phẩm, đồ uống thông qua việc thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại như bò, lợn và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển ngành chăn nuôi bò, lợi thịt ở các khu vực có lợi thế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư chế biến thực phẩm. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp như chế biến nông, lâm sản, sản xuất dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch! |
Nguyễn Hoà (thực hiện) Đồ họa: Hồng Thịnh |