Vĩnh Phúc: Công nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP
Công nghiệp tăng trưởng 11,19%
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2024 có sự phục hồi tích cực. Theo đó, tăng trưởng GRDP quý I chỉ đạt 4,06% và 6 tháng năm 2024 chỉ đạt 6,42% so với cùng kỳ năm trước, thuộc nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước.
Tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2024 có sự phục hồi tích cực. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, bước sang quý III/2024, tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng vị trí cao thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 10 toàn quốc. Kết quả trên đã đưa GRDP của địa phương tăng trưởng 7,95% trong 9 tháng và 7,52% trong năm 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước (với 7,09%) và mục tiêu đề ra từ đầu năm của tỉnh là tăng trưởng GRDP 7,5-8,5% trong năm 2024.
Phân theo ngành kinh tế, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,77%, trong đó riêng công nghiệp tăng 11,19%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 1,53%; các ngành dịch vụ ước tăng 7,67% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp ước tăng 1,94% so với năm 2023.
Quy mô GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc theo giá hiện hành ước đạt khoảng 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 141,3 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7%, tương đương tăng khoảng 11,3 triệu đồng so với năm 2023.
Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2024, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,37%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 30,88% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,75% trong cơ cấu tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung bám sát các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và của tỉnh về triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và đẩy mạnh sản xuất.
Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, chi phí vận tải; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của nước ta tiếp tục suy giảm. Song, từ quý II trở đi các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã có xu hướng khả quan hơn khi một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng mới, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử… góp phần làm ngành công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng khá so cùng kỳ.
Tăng trưởng GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 có đóng góp quan trọng của khu vực công nghiệp. Ảnh TTXVN |
Linh kiện điện tử là động lực chính trong tăng trưởng công nghiệp
Tính chung cả năm 2024, ước tính IIP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 11,43% so với năm trước, mức tăng cao thứ hai sau mức tăng 15,43% của năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
Sản lượng của một số sản phẩm chủ yếu trên địa bàn trong tháng 12 và cả năm 2024 và sự biến động so với cùng kỳ, như sau: Sản phẩm linh kiện điện tử là động lực chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh. Một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực linh kiện điện tử đạt doanh thu tăng cao so với cùng kỳ như: Công ty Compal Việt Nam dự kiến doanh thu tăng 27%; Công ty BHFLex tăng 49%; Công ty Arcadyan tăng 47%; Công ty Interflex tăng xấp xỉ 8% so với năm 2023.
Bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp dự kiến giảm như: Công ty Solum vina giảm 7%; Công ty Power logics giảm 8%; Công ty Cammsys giảm 23%... Tính chung ngành linh kiện điện tử dự kiến tăng khoảng 14-16% so với năm 2023.
Với sản phẩm xe máy, để kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng xe tiêu thụ và gia tăng doanh số, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đưa ra thị trường nhiều mẫu xe mới với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá như hỗ trợ lệ phí đăng ký, tặng Voucher, tặng quà...
Trong tháng, sản lượng xe máy ước đạt 163 nghìn xe, tăng 26,7% so với cùng kỳ; lũy kế cả năm 2024 ước đạt 1,71 triệu xe, tăng 7,49% so với năm 2023.
Sản phẩm gạch ốp lát do thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng sau một thời gian dài trầm lắng đến nay đã và đang có dấu hiệu khởi sắc. Nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở và các công trình phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân gia tăng, nhất là vào cuối năm.
Đồng thời, công tác giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tiến độ thi công các công trình cơ bản đảm bảo kế hoạch, đã thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp gia tăng sản lượng và doanh thu cho các doanh nghiệp trong ngành. Ước tính sản lượng năm 2024 tăng 16,89% so với so với năm 2023.
Với sản phẩm ô tô năm 2024, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước gặp nhiều khó khăn. Đây là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước; thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô kém sôi động, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn. Sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp trong ngành là Toyota, Honda đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và nhu cầu của thị trường. Ước cả năm 2024 sản lượng xe ô tô sản xuất đạt 42,85 nghìn xe, giảm 1,7% so với năm 2023.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 gặp nhiều khó khăn trong quý I, song đã liên tiếp tăng trưởng trong các quý còn lại để cả năm đạt mức tăng trưởng khá cao, tiếp tục là ngành chủ lực đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách của địa phương. |