Chủ động ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương Mưa lớn tại miền Trung, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất Xuất hiện sạt lở, nhiếu tuyến đường lún sụt sau mưa lớn tại miền Trung |
Theo đó, vào khoảng 20h tối ngày 5/12, tại ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh xảy ra vụ sạt lở dọc theo bờ sông Cổ Chiên. Thống kê ban đầu, vụ sạt lở có chiều dài khoảng 500m, sâu vào đất liền từ 300m đến 400m, làm 12 căn nhà của 12 hộ dân bị thiệt hại, khoảng 10ha đất vườn cây ăn trái chìm xuống sông. Hiện, có 17 hộ dân đã di dời đến nơi an toàn.
Một người dân có nhà bị sạt lở cho biết, vào khoảng 16h chiều 5/12, tại vị trí nhà của ông xuất hiện các vết nứt, trong phút chốc căn nhà của ông đổ ập xuống sông. Không dừng lại ở đó, vết nứt tiếp tục ăn sâu vào khiến 9 công đất vườn cây ăn trái của gia đình cũng bị cuốn theo dòng nước. Ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Vụ sạt lở khiến 12 căn nhà bị trôi xuống sông |
Ngay sau vụ sạt lở xảy ra, đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cùng đại diện Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở an toàn.
Hiện nay, xã Hòa Ninh đã huy động toàn lực lượng hỗ trợ các hộ dân khắc phục sự cố, đồng thời thống kê thiệt hại để huyện kịp thời hỗ trợ.
Thời gian qua, tình trạng sạt lở tại khu vực vẫn còn rất phức tạp, trước mắt phải bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Ngành chức năng sẽ sớm khảo sát, nhanh chóng đưa ra các phương án di dời, hỗ trợ và cảnh báo để tránh nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Thời gian qua, do biến đổi khí hậu, cộng với tác động của con người khiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610km. Trong đó, 127 điểm đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 127km, 137 điểm nguy hiểm với chiều dài 193km. Khai thác cát là một trong 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở hiện nay. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng diễn ra khá phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 7.733 giếng khoan với công suất mỗi giếng khoảng 10m³/ngày, là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, tác động không nhỏ tới sạt lở bờ sông, bờ biển.