Chủ động ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương
Đề phòng lũ quét, sạt lở
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo chiều tối và đêm nay (19/7), ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-50mm, có nơi trên 80mm; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm. Mưa dông tập trung vào chiều tối và tối.
Khu vực Hà Nội: Chiều tối và đêm nay (19/7) có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Mưa dông ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 22/7. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Đặc biệt tai các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 80mm.
Cơ quan chức năng khuyến cáo có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại một số huyện: Vân Hồ (Sơn La); Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc (Hòa Bình); Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên (Yên Bái ); Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ); Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương (Tuyên Quang); Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Định Hóa (Thái Nguyên).
Các huyện cần chú ý theo dõi như: Mộc Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La); Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Cao Phong (Hòa Bình); Trạm Tấu, Mù Căng Chải (Yên Bái); Hạ Hòa, Thanh Ba (Phú Thọ); Lâm Bình, Hàm Yên (Tuyên Quang); Võ Nhai, Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương |
Người dân chủ động ứng phó
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, mưa lũ lớn bất thường trên cả nước đã xảy ra 95 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 93 trận dông lốc, 45 vụ sạt lở bờ sông.
Thiên tai đã khiến 68 người bị thiệt mạng và mất tích, 40 người bị thương, gây nhiều thiệt hại về tài sản. Thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.015 tỷ đồng tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, lũ quét và sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, các địa phương cần theo dõi, nắm chắc diễn biến của thời tiết, chủ động tiến hành các biện pháp phòng tránh.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần chủ động ứng phó, nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng. Người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở.