Làng nổi độc đáo trên vịnh Hạ Long Dấu ấn mới trên Vịnh Hạ Long |
Có một nơi, từ ngàn xưa cảnh đẹp ở đó đã được biết đến và ca ngợi.
Có một nơi là vùng thắng cảnh được miêu tả hoành tráng vừa thơ mộng, lại kiều diễm mà lại nên thơ.
Có một nơi được nhiều người biết tới, dù ở châu lục nào, màu da nào.
Nơi đó, tạo nguồn cảm hứng vô tận cho các tao nhân mặc khách từ muôn đời.
Và nơi đó, “là một ngôn ngữ tự nó, mà không có ngôn ngữ nào thay thế được. Một ngôn ngữ duy nhất...” mặc dù, “để tạo ra kỳ quan số một này, thiên nhiên chỉ dùng có hai mẫu tự, hai chữ cái: Đá và Nước” (Trích Hạ Long Đá và Nước – Nguyên Ngọc). Kỳ quan: vịnh Hạ Long.
Trong cuốn "Vịnh Hạ Long xứ sở bình yên và tươi đẹp của Đông Dương" năm 1927, tác giả Emile Cordonnier viết: “…Hàng ngàn đảo nhấp nhô lên trên mặt nước phô trương những phiến đá hoa cẩm thạch tuyệt đẹp, tưởng như chúng đang chồng chất lên nhau tạo ra những đường nét kỳ diệu, mắt ngắm mãi không biết chán. Cảnh dường như chỉ được thấy trong mơ…”.
Cảnh đẹp thiên đường là nguồn cảm hứng vô tận cho các tao nhân mặc khách |
Chính cảnh đẹp như chỉ có trong mơ, quên đường về ấy đã là nguồn cảm hứng vô tận từ ngàn xưa và được nhắc đến trong những áng thơ bất hủ của Hoàng đế Trần Thánh Tông (1240-1290), Chúa An Đô Vương Trịnh Cương (1686-1730), Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (thế kỷ XIX)… Cảnh quan, núi non hùng vĩ mà nên thơ ấy đã tạo cảm hứng cho vị hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê – hoàng đế Lê Thánh Tông (1442-1497), để cho ra đời “Bài thơ đề vách núi” danh bất hư truyền.
Bài thơ không chỉ ca ngợi cảnh đẹp của biển cả, núi non nơi này, mà còn như là lời tuyên ngôn, khẳng định “Muôn thuở trời Nam sông núi vững”… Kể từ đó, núi mang tên gọi núi Đề thơ (Bài thơ). Và cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thời gian, bài thơ vẫn còn trên vách núi, ngày đêm bên bờ vịnh âm vang sóng vỗ như tiếng của người xưa vẫn còn vang vọng đâu đây.
Từ trên núi Bài Thơ nhìn xuống vịnh Hạ Long |
Trước đó, nhà Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ Nguyễn Trãi (1380-1442) trong một lần đi ngang vịnh Hạ Long cũng đã từng khẳng định nơi đây “Kỳ quan đất dựng giữa trời cao” (Bài thơ: Vân Đồn).
Hơn 500 năm sau, lời “tiên tri” của người xưa đã trở thành hiện thực. Ngày 11/11/2011, Kỳ quan vịnh Hạ Long chính thức được bầu chọn bởi nhiều công dân, ở mọi sắc tộc trên khắp toàn cầu. Kỳ quan ấy được công nhận không chỉ dựa trên cảm quan về mặt thẩm mỹ, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí khác như giá trị lịch sử, văn hóa… và bắt buộc nó phải là danh thắng tự nhiên, không phải do con người tạo ra, không bị con người can thiệp vào một cách đáng kể.
Cuộc bầu chọn do Tổ chức New Open World phát động không chỉ diễn ra chớp nhoáng, mà kéo dài 4 năm (từ năm 2008 - 2011). Nhờ đó, công dân trên khắp toàn cầu không chỉ biết đến hàng trăm danh thắng, kỳ quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo ở khắp các châu lục mà còn có thể tham gia bầu chọn kỳ quan đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, xứng đáng mà mình yêu thích, trong đó có vịnh Hạ Long.
Trải qua 3 giai đoạn bầu chọn, vượt qua hơn 400 kỳ quan thiên nhiên ở tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, vịnh Hạ Long chính chức trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cùng với 6 địa danh khác như rừng rậm Amazon (Nam Mỹ), thác Iguazu (Argentina và Brazil), đảo Jeju (Hàn Quốc), đảo Komodo (Indonesia), vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesca (Philippines), núi Bàn (Nam Phi).
Ông Bernard Weber, Chủ tịch New7Wonders trao chứng nhận vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới cho ông Phạm Minh Chính - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh - năm 2011 |
Vẻ đẹp từ ngàn xưa đã ‘gắn” danh hiệu Kỳ quan, nhưng giờ đây vịnh Hạ Long đã chính thức được khoác lên danh hiệu ấy - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Vịnh Hạ Long đã trở thành một phần của ký ức toàn cầu và một trong bảy địa danh được lịch sử ghi nhớ mãi.
Và quả thật, với sức cuốn hút của nó - Kỳ quan vịnh Hạ Long trường tồn vẻ đẹp ngàn xưa!