Ảnh minh họa |
Mục đích của việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ nhằm tôn vinh những công dân Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, dành nhiều tâm huyết, công sức đóng góp vào việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là sự động viên kịp thời và tạo điều kiện cho các nghệ nhân tiếp tục sáng tạo, truyền nghề, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của làng nghề, đồng thời khuyến khích lớp thợ trẻ đi sâu vào tìm tòi, nghiên cứu kế thừa và phát triển nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, các cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và “Nghệ nhân Ưu tú” phải được hội đồng xét duyệt theo 3 cấp (cấp tỉnh, chuyên ngành cấp Bộ và cấp Nhà nước) thông qua hồ sơ xét tặng. Với những quy định chặt chẽ, việc tặng danh hiệu sẽ bảo đảm chất lượng, thời gian, đúng quy định của pháp luật. Theo đó, “Nghệ nhân Ưu tú” phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù; trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao; đã có tác phẩm, sản phẩm được trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử, các sự kiện lớn của đất nước hoặc được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, dạy nghề, đặc biệt phải có tối thiểu 15 năm hoạt động trong nghề.
Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã là “Nghệ nhân Ưu tú” và đạt thêm các tiêu chuẩn như: Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên; nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú; đã trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng cho phép tổ chức.
Nghệ nhân được xét tặng danh hiệu sẽ được nhận huy hiệu, giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và phần thưởng kèm theo từng danh hiệu. Đồng thời, phải tích cực giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề và không ngừng hoàn thiện kỹ năng, kỹ xảo nghề.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục CNĐP, cùng với lễ phong tặng đã có trên 100 nghệ nhân và nhiều sở Công Thương các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016. Trung tâm sẽ dàn dựng khu trung tâm với diện tích 300m2, trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương và sản phẩm của một số nghệ nhân tiêu biểu.
Trung tâm cũng đã xây dựng kịch bản chi tiết cho 4 ngày diễn ra triển lãm và kịch bản cho lễ khai mạc, bế mạc. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức, huy động nhân lực thực hiện công tác chuẩn bị cho sự kiện” - ông Thắng chia sẻ.
Bộ Công Thương dự kiến phong tặng danh hiệu cho 103 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2016. Ngoài ý nghĩa tôn vinh, việc phong tặng còn là sự động viên kịp thời với những người thợ giỏi, tâm huyết với nghề và khuyến khích lớp thợ trẻ tham gia phát triển nghề truyền thống. |