Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, khi EVFTA được thực thi thì gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu với một lộ trình tương đối ngắn. Khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có EVFTA.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
“Vận tải biển là lĩnh vực dịch vụ mở cửa với các nhà vận tải đến từ châu Âu nên sẽ phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, nhưng cũng có những tác động tích cực từ EVFTA, dù tác động này là gián tiếp. Mặt khác, hiện có tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam qua đường biển. Điều này kéo theo tỷ trọng hàng hóa các tuyến vận tải biển Bắc - Nam và từ Đông - Tây chắc chắn gia tăng. Do vậy, Vinalines sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa sang thị trường tiềm năng này”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh đánh giá.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Vinalines sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng nhằm phát huy lợi thế của nhà cung cấp ba lĩnh vực hàng đầu là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ logistics để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo đánh giá của Vinalines, trong hoạt động logistics giữa Việt Nam và EU thì Cộng hòa Azerbaijan được đánh giá là có vị trí quan trọng khi là quốc gia nằm trong vùng Kavkaz. Nằm trên ngã tư đường giữa Đông Âu và Tây Á, Azerbaijan có lợi thế giáp với Biển Caspia ở phía Đông, Nga ở phía Bắc, Gruzia ở phía Tây Bắc, Armenia ở phía Tây và Iran ở phía Nam.
Đặc biệt, Azerbaijan hiện là thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 2006 và có nền kinh tế rất năng động yếu dựa vào công nghiệp như chế tạo máy, dầu mỏ, lọc dầu, các sản phẩm dệt may và chế biến hóa chất... Đây được coi là “cánh cửa rộng” của Vinalines đưa hàng hóa Việt Nam vào EU.
Ông Mai Lê Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinalines Logistics, một công ty con của Vinalines chia sẻ, cách đây một năm Vinalines Logistics đã tổ chức tuyến dịch vụ vận chuyển container từ Yên Viên qua Trung Quốc, Kazakstan, Nga sang Ba Lan. Hàng hóa là linh kiện điện tử và màn hình OLED. Đối với một số mặt hàng như điện tử thì thời gian chuyển và chất lượng trong quá trình vận chuyển là yếu tố chủ hàng rất quan tâm. Đối với hàng điện tử vận chuyển bằng đường sắt đảm bảo được hai yêu cầu này.
Hiện Vinalines và Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam cũng đang duy trì thông tin về thuế quan và năng lực của hệ thống đường sắt khu vực.
Đại diện Vinalines nhìn nhận, việc hình thành chuỗi logistics Á-Âu khép kín, thuận tiện, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang sẵn sàng cho những cơ hội kinh doanh mà EVFTA có thể mang lại.
Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực vận tải biển, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng, trong bối cảnh thị trường vận tải biển còn chông chênh, Tổng công ty sẽ tiếp tục thanh lý các tàu già, tình trạng kỹ thuật kém, chi phí sửa chữa lớn để cắt lỗ, cải thiện kết quả kinh doanh.
Cùng với việc thanh lý tàu già, Vinalines sẽ nghiên cứu đầu tư đội tàu mới có công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Dự kiến, sẽ có 4 tàu container từ 1.000-5.000 tấn, 3 tàu hàng rời (15.000-35.000 tấn), một tàu chở hàng khô (50.000-60.000 tấn) được đơn vị đầu tư dưới hình thức mua hoặc thuê mua nhằm tăng cường năng lực vận tải, tăng khả năng cạnh tranh khi thị trường vận tải biển phục hồi.
Trên cơ sở đầu tư đội tàu mới, Vinalines sẽ phối hợp với các doanh nghiệp cảng biển, logistics thiết kế các dịch vụ tích hợp nhằm tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói vừa mang lại lợi ích kinh tế cho khách hàng, vừa nâng cao tính cạnh tranh của Tổng công ty.
Một tín hiệu tích cực về các chỉ số kinh doanh vượt trên kỳ vọng của Vinalines là chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải biển đạt gần 11,7 triệu tấn, đạt hơn 59% kế hoạch; sản lượng hàng thông qua cảng biển đạt gần 50 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, sản lượng container đạt 2,2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt hơn 5.884 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 113 tỷ đồng (số liệu này chưa bao gồm kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn).
Trước đó, tháng 5/2019, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 137/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Vinalines trên cơ sở đề nghị của đại diện phần vốn đang nắm hơn 99% vốn điều lệ tại tổng công ty.
Theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công ty mẹ - Vinalines phải hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2019 là đạt sản lượng vận tải biển 4.670.000 tấn, doanh thu 1.549 tỷ đồng.