Cheo leo trên đỉnh núi, ẩn hiện trong mây chiều, những cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm năm tuổi trên vùng đất Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) vẫn vững vàng với thời gian, trầm mặc chứng kiến sự đổi thay của vạn vật và tiếp tục là nhân vật trung tâm trong những câu chuyện cổ, kim. “Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh có chiếc ao tiên, khi từ trên trời bay xuống tắm thấy nhiều cây chè mọc tươi tốt, các nàng tiên đã hái lá uống cảm nhận được vị ngọt mát, thơm nồng nàn. Từ đó, chè trở thành thức uống không thể thiếu của người dân nơi đây”. Đó là câu chuyện cụ bà Triệu Mùi Nghính kể cho chúng tôi nghe về sự tích cây chè Shan tuyết trên vùng đất Phìn Hồ. Theo cụ Nghính, cây chè Shan tuyết với người dân Dao đỏ ở Phìn Hồ rất quý. Chè sau khi thu hái, sao khô thường được treo trên bếp lửa để bảo quản, chỉ khi có khách quý đến mới lấy xuống sao lại, pha và mời uống. Có lẽ tấm chân tình được gửi gắm trong mỗi chén chè mới thực sự là lực hút mạnh mẽ, níu kéo du khách gần - xa. Ở tuổi xưa nay hiếm, chạm ngưỡng trăm năm, bản thân sự hiện diện của cụ Nghính cũng như một câu chuyện cổ tích đẹp tại vùng đất này. Ở cụ có sự từng trải, có dấu vết thời gian nhưng ánh mắt vẫn tinh anh, nhanh nhẹn, đặc biệt khả năng thẩm chè vẫn khó ai sánh kịp. Cụ kể, làm chè từ khi còn mặc váy khố nên chỉ cần tay chạm vào búp chè, ngửi mùi hương là biết búp chè đó có cho ra loại chè hảo hạng nhất hay không. Tiếp đó mới đến công đoạn nổi lửa sao chè, dùng đôi bàn tay cảm nhận độ non lửa, già lửa để đạt vị chè ưng ý. Chè pha ra nước có màu vàng óng, hương thơm đậm đà, tiền vị đắng chát, hậu vị ngọt kéo dài, đó mới chuẩn chè Shan tuyết. Nhìn cụ, tôi chợt nhớ tới lời chị Lý Mùi Mương - Phó Giám đốc Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, khi lý giải vì sao chọn hình ảnh cụ Nghính in trên bao bì sản phẩm trà xanh và hồng trà - hai trong số ít sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao của cả nước. Rằng, cụ Triệu Mùi Nghính như một minh chứng sống cho cây chè Shan tuyết ở Phìn Hồ, bình dị, mạnh mẽ và bền bỉ vượt qua thời gian để sống mãi với người dân nơi đây. |
Và, chè Shan tuyết trở thành đặc sản trứ danh của Phìn Hồ và của cả vùng đất Hoàng Su Phì xa ngái. Tiếng thơm của đặc sản này đã được chính bà con nơi đây xây dựng, lan toả bằng sự tự nhiên, bằng tấm lòng và bằng rất nhiều thời gian. Như lời ông Nông Văn Đức - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp, huyện Hoàng Su Phì, chè Shan tuyết sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu nên sản phẩm làm ra an toàn tuyệt đối. Hiện 400 ha trong tổng số hơn 4.000 ha diện tích chè của Hoàng Su Phì được chứng nhận hữu cơ, trong đó có 140 ha chè Shan tuyết ở Phìn Hồ được EU chứng nhận là một minh chứng mạnh mẽ cho tầm nhìn cũng như những nỗ lực của người dân nơi đây trong định hướng phát triển và lan toả tiếng thơm cho chè Shan tuyết. |
Nếu như cụ Nghính là một đại diện cho sức sống bền bỉ của cây chè cổ thụ thì nỗ lực của chị Lý Mùi Mương cùng các thành viên hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ là sự tiếp nối thế hệ, mang chè Shan tuyết Phìn Hồ vượt đỉnh Tây Côn Lĩnh ra thị trường rộng lớn hơn. Chị Lý Mùi Mương cho biết, những ngày đầu mới thành lập, hợp tác xã chủ yếu thu mua chè búp tươi của các hộ thành viên, chế biến thành chè xanh theo phương pháp truyền thống để bán. Nguồn nguyên liệu đầu vào gói gọn trong khoảng 30ha chè của các gia đình thành viên nên sản lượng ít, bao bì, nhãn mác thô sơ, bộ máy quản lý còn thiếu kinh nghiệm. Do đó, trong 3 năm đầu thành lập từ năm 2008 - 2010, doanh thu của hợp tác xã chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè cổ thụ, những năm sau đó, hợp tác xã đã mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu. Hiện nay, hợp tác xã liên kết với trên 500 hộ trồng chè ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán. Đây là những vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu. Đến năm 2017, từ sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa, hợp tác xã đã đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng mới văn phòng làm việc, phòng trưng bày sản phẩm, nhà xưởng sản xuất với diện tích trên 3.000 m2; đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng công suất từ 4 tấn chè tươi lên 15 tấn/ngày. “Với việc đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, chất lượng chè thành phẩm của hợp tác xã được nâng lên rõ rệt. Năm 2018, lần đầu tiên Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ xuất khẩu trên 20 tấn chè khô sang thị trường Đài Loan, đánh dấu sự vươn tầm của thương hiệu Fìn Hò trà” - chị Lý Mùi Mương cho hay. |
Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng thường xuyên tham gia các Hội chợ Thương mại quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ. Điển hình, tháng 7/2022, Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ là 1 trong 12 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Biofach/Vivaness diễn ra tại Đức, đây là hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, hợp tác xã đã triển khai trên 200 hệ thống mạng lưới đại lý, điểm bán hàng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. “Gây dựng thành công thương hiệu Fìn Hò trà, hợp tác xã cũng đa dạng hóa các sản phẩm sản xuất với 5 dòng chè khác nhau đó là: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, Trà Tiên. Mỗi loại sản phẩm đều có hương và vị khác nhau, với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 12 triệu đồng/kg. Năm 2015, Fìn Hò trà đã được tổ chức liên minh Châu Âu chứng nhận sản phẩm Organic EU” - Giám đốc Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ nói. Đáng chú ý, với việc luôn tuân thủ những quy định về sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, không ngừng đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2021, 2 sản phẩm của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ là Trà xanh hộp 100gr và Hồng trà hộp 100gr đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia. Đây cũng là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt OCOP 5 sao, mang đến niềm vinh dự, tự hào rất lớn cho các hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ ở thôn Phìn Hồ. |
Chị Lý Mùi Mương cho biết, từ khi triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, hợp tác xã đã tích cực tham gia, lựa chọn sản phẩm tốt nhất và có tiềm năng lớn nhất để xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP. Với vùng nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hình ảnh bao bì và tên thương hiệu sản phẩm xuất phát từ thực tế đời sống của các xã viên ở bản Phìn Hồ cùng quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo tiêu chuẩn nên hiện nay, hợp tác xã đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia. Sau khi được công nhận, hợp tác xã tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đảm bảo phát triển bền vững thương hiệu Fìn Hò trà. “Tham gia chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến hơn, góp phần tăng giá trị sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Từ đầu năm 2021 đến nay, hợp tác xã đã nhận được tín hiệu thị trường khá tốt khi có nhiều đơn vị ký kết đơn hàng về chè hữu cơ cao cấp” - chị Lý Mùi Mương chia sẻ. Bên cạnh việc chú trọng đổi mới dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ để giữ vững chất lượng sản phẩm. |
Từ năm 2019, sản phẩm Fìn Hò trà đã xuất hiện tại hệ thống siêu thị Winmart và hệ thống cửa hàng Sài Gòn Co.opmart. Hợp tác xã hiện có 6 nhà phân phối với hàng trăm điểm bán hàng trong cả nước và 2 đơn vị xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm chè của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Đức… nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng suy nghĩ về sản phẩm, về triết lý kinh doanh của chị Lý Mùi Mương không trẻ. “Không chạy theo số lượng, nhiều năm qua, chúng tôi kiên trì giữ 3 yếu tố: Nguyên liệu sạch; tỉ mỉ trong từng khâu chế biến; sản phẩm đưa đến khách hàng được đóng gói cẩn thận và minh bạch thông tin để tạo lòng tin với người tiêu dùng” - chị Lý Mùi Mương nói. |
Huyện Hoàng Su Phì, hiện có 4.652,8 ha cây chè Shan tuyết, diện tích cho thu hoạch 3.599,1 ha, năng suất 39,0 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 14.000 tấn/năm. Một số xã có diện tích chè tập trung lớn như: Thông Nguyên 655,9 ha, Hồ Thầu 507 ha, Nậm Khòa 740 ha, Nậm Ty 557 ha, Nậm Dịch 220 ha, Tả Sử Choóng 188,4 ha, Túng Sán 269 ha, Bản Luốc 255,7 ha, Nam Sơn 630,5 ha. Diện tích còn lại nằm dải dác tại các xã trong huyện. Ông Nông Văn Đức cho biết, cây chè Shan tuyết được xác định là mũi nhọn kinh tế và cây xoá đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số, huyện Hoàng Shu Phì cũng tạo nhiều điều kiện để phát triển cũng như nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết cổ thụ. Tuy nhiên việc bảo tồn, phát triển cây chè Shan tuyết lại đang gặp khó khăn. Ông Nông Văn Đức bày tỏ: Hiện một số cây chè đã bị nhiễm bệnh cùng hiện tượng đất bị xói mòn, bạc màu nên cây yếu thấy rõ. |
|
Lê Na Đồ họa: Vũ Hạnh |