Indonesia mở thầu 500.000 tấn gạo: Cơ hội cho gạo Việt? Indonesia mở thầu mua 550.000 tấn gạo, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp đà tăng? |
Tín hiệu tích cực cho vụ Đông xuân
Theo kế hoạch, năm 2024 Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo gần tương đương với Philippines - nước tiếp tục sẽ là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và khách hàng truyền thống của Việt Nam.
Theo đó, đầu năm 2024, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo nhằm gia tăng dự trữ lương thực. Đến ngày 30/1, Bulog hoàn tất việc đấu thầu và xác định danh tính các doanh nghiệp tham gia trúng thầu. Theo danh sách do Bulog công bố, Việt Nam có trúng 10/17 gói thầu, tập trung vào 7 doanh nghiệp.
Trong đó có 3 doanh nghiệp lớn trúng 2 lô mỗi đơn vị gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trúng lô thầu số 8 và 14; Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) trúng lô số 15 và 16; Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) trúng lô số 3 và 9.
Hai doanh nghiệp còn lại là Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH lương thực Phát Tài (Đồng Tháp) trúng lô 11. Đáng chú ý, Việt Nam là nước duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn (trên 2 lô). Ngoài Việt Nam, chỉ duy nhất một đơn vị thương mại là R&S Trader PTE ở Singapore thắng thầu 3 lô 10, 13 và 17.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Indonesia đã vượt Trung Quốc và vươn lên là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2023 với 1,16 triệu tấn, đạt 640 triệu USD, tương ứng tăng lần lượt 877% và 992% so với năm trước.
Chính vì vậy, theo một số chuyên gia, với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa “chốt sổ”, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3 - sẽ là tín hiệu tích cực để chuẩn bị và tin tưởng vào vụ Đông xuân thu hoạch sau Tết Nguyên đán sẽ thắng lợi lớn.
Giá lúa gạo nội địa của Việt Nam hiện ở mức cao |
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao
Số liệu cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong tháng 1/2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dù có những biến động theo hướng giảm khoảng 11 USD/tấn so với cuối năm 2023 song vẫn ở mức cao. Theo đó, giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm trong những ngày cuối tháng 1/2024 ở mức 642 USD/tấn.
Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang thấp hơn giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan khoảng 13 USD/tấn (theo cập nhật Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan - TREA, giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đang ở mức 655 USD/tấn). So với Pakistan, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 4 USD/tấn - gạo nước này hiện có giá 638 USD/tấn.
Việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở thời điểm hiện tại không cao được các doanh nghiệp cho biết, do Việt Nam không có nhiều gạo để giao dịch mà phải chờ đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 tới. Thêm vào đó, giai đoạn này, các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa và chuẩn bị nghỉ Tết nên không tham gia ký hợp đồng mới.
Cập nhật giá lúa gạo nội địa ngày 1/2 tại các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá lúa gạo hiện đang duy trì cột mốc cao. Trong đó giá lúa IR 504 ở mức 9.000 – 9.200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.600 – 9.700 đồng/kg; OM 18 ở mức 9.600 – 9.800 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.300 - 9.500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 9.400 – 9.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg… Riêng giá gạo, hôm nay xu hướng tăng nhẹ 50-100 đồng/kg so với hôm qua. Hiện giá gạo NL IR504 ở mức 12.500-12.600 đồng/kg; gạo TP IR504 ở mức 14.650-14.750 đồng/kg. |