Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” Dịch chuyển phát triển năng lượng xanh- Xu hướng không thể đảo ngược |
Cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu
Thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng đang diễn ra càng ngày nhiều do biến đổi khí hậu, và Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, cũng như xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70% trong kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050.
Thông tin tại Đối thoại cao cấp ASEAN - Australia về Biến đổi khí hậu và Chuyển đổi năng lượng do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Biến đổi khí hậu và Năng lượng Australia, Bộ Năng lượng Lào và Ban Thư ký ASEAN đồng chủ trì tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với Việt Nam và toàn cầu hiện nay là biến đổi khí hậu và cho rằng nhận thức được điều đó, Việt Nam đã có những hành động sớm khi đưa ra những cam kết mạnh mẽ để chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hùng Việt, hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết là không hề dễ dàng, do đó, Việt Nam đã phối hợp với một số đối tác để xác định nhu cầu cho riêng ngành năng lượng trong tương lai, mà theo ước tính sẽ cần các khoản đầu tư lên tới 135 tỷ USD cho đến năm 2030 và 400 tỷ USD cho đến năm 2050 để chuyển sang năng lượng sạch và xanh hơn.
Đối thoại cao cấp ASEAN-Australia về Biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng |
Cùng với đó, Việt Nam hiện đang nỗ lực xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết khi tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Hơn hết, “là một phần của ASEAN với tư cách là một quốc gia thành viên cùng chia sẻ trong một cộng đồng có chung lợi ích, Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng hành động với ASEAN và các nước thành viên trước vấn đề biến đổi khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực” - Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh và cho biết, khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, nhưng cũng có nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác lớn hơn để đạt được các mục tiêu trung hòa carbon trong khu vực, như tận dụng nguồn nguyên liệu thô dồi dào, cũng như năng lực phát triển pin kỹ thuật xanh, công nghệ xanh và ngành công nghiệp xe điện.
Các số liệu dự báo cho thấy chiến lược này có thể giúp tăng trưởng kinh tế khu vực đạt từ 3 đến 5,3 nghìn tỷ USD vào năm 2050, đồng thời thu hút 3,7-6,7 nghìn tỷ USD đầu tư xanh và tạo thêm 15-16 triệu việc làm.
Chung tay giải quyết thách thức
Về vấn đề này, Thứ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Sivana Souphanouvong khẳng định, Lào đang cố gắng đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua các chiến lược, kế hoạch quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội và phát triển ngành điện. Dự kiến, Lào sẽ công bố các mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050.
"Nỗ lực khai thác tiềm năng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tận dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển xe điện hiện là một trong những ưu tiên của Lào nhằm phục vụ phát triển xanh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu" - Thứ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào nhấn mạnh.
Lào kêu gọi các hình thức đối tác công tư, hợp tác trong và ngoài nước; đồng thời khẳng định phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và Australia, đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển bền vững chung.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của Australia dành cho ASEAN trong những năm qua, trong đó có việc thực hiện Chương trình Hợp tác phát triển ASEAN-Australia (AADCP), Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định ASEAN, trong đó có Việt Nam, xem Australia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; đồng thời, hoan nghênh việc Australia mở rộng chương trình hợp tác phát triển này thông qua “Sáng kiến Australia vì Tương lai ASEAN” nhằm giải quyết những thách thức mới nổi, bao gồm biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, Đại sứ về biến đổi khí hậu của Australia, bà Kristin Tilley khẳng định, Australia mong muốn hợp tác và thúc đẩy quan hệ với ASEAN cũng như các nước thành viên trong tất cả các lĩnh vực, nhất là biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, trong đó có việc thực hiện các cam kết trung hòa carbon.
“Cam kết từ Australia sẽ hỗ trợ các nước ASEAN hướng tới phát triển xanh và thịnh vượng, cụ thể là các hỗ trợ về điều phối, thiết lập tiêu chuẩn quốc tế về năng lượng sạch, tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…” - Đại sứ Tilley nhấn mạnh.
Ông Ekkaphab Phanthavong - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội nhấn mạnh: Đông Nam Á là khu vực dễ tổn thương bởi tác động từ biến đổi khí hậu. Thời gian gần đây, lĩnh vực năng lượng khu vực đã có nhiều đổi mới và phát triển, góp phần chuyển đổi năng lượng xanh và sạch hơn, nhưng vẫn cần chuyển đổi mạnh hơn nữa để hướng tới nền kinh tế xanh.
Phó Tổng Thư ký ASEAN khẳng định, ASEAN cam kết đạt được những nỗ lực này thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi xanh trên đa dạng các lĩnh vực. Trong đó các quốc gia thành viên đã xác định các mục tiêu năng lượng và triển khai sáng kiến quốc gia về chuyển đổi năng lượng, góp phần kịp thời thực hiện các cam kết của ASEAN về các vấn đề khu vực và thế giới.
Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam nhấn mạnh: ASEAN và Australia cần đưa hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và Chuyển đổi Năng lượng trở thành trọng tâm ưu tiên trong nỗ lực triển khai Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai bên, đồng thời trông đợi Hội nghị cấp cao đặc biệt sắp tới sẽ khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ, cùng những định hướng quan trọng, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này, hướng tới tương lai phát triển bền vững của khu vực.
Chiến lược của ASEAN về trung hòa carbon có thể giúp tăng trưởng kinh tế khu vực đạt từ 3 đến 5,3 nghìn tỷ USD vào năm 2050, đồng thời thu hút 3,7-6,7 nghìn tỷ USD đầu tư xanh và tạo thêm 15-16 triệu việc làm. |