Nhật Bản: Năng lượng hạt nhân vẫn đóng vai trò chủ chốt Ukraine kêu gọi EU trừng phạt tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga |
Trước đó, ngày 13/3, tại căn cứ Hải quân ở San Diego, California, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố thỏa thuận tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) “vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do”.
Sau khi thỏa thuận được công bố, nhiều nước đã lên tiếng. Trong khi đó, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên trang mạng của bộ này ngày 14/3 nêu rõ: Bắc Kinh kêu gọi các thành viên AUKUS lưu ý quan điểm của cộng đồng quốc tế, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng xấu tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Hãng tin Nga TASS dẫn bình luận của người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng, thỏa thuận AUKUS vừa công bố đặt ra những câu hỏi liên quan vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, cần được các bên giải đáp.
Anh, Mỹ, Australia công bố thỏa thuận tàu ngầm lịch sử |
Liên minh châu Âu lại nhấn mạnh yếu tố NPT trong triển khai AUKUS. Còn theo Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, dù đã tỏ thái độ ủng hộ Australia, song New Delhi dường như không hào hứng với viễn cảnh tàu ngầm hạt nhân của Canberra hoạt động trong khu vực.
Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc đã ủng hộ thỏa thuận. Các nước Indonesia, Malaysia mong các bên sẽ giữ đúng cam kết phi hạt nhân hóa. Campuchia hy vọng thỏa thuận không làm leo thang căng thẳng khu vực. Singapore tin tưởng AUKUS sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 23/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS cũng như thái độ của một số nước ASEAN, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: "Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là mục tiêu chung của mọi quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu chung này. Năng lượng hạt nhân cần được sử dụng và phát triển vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế xã hội của các nước. Việc sử dụng và phát triển năng lượng hạt nhân phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người cũng như môi trường. Chúng tôi mong rằng các quốc gia sẽ có trách nhiệm đóng góp tích cực vào mục tiêu chung này, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới".