Theo thông tin từ Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF): Tập đoàn Điện lực Kansai (Kansai EP) đang tích cực chuẩn bị để sớm tái khởi động hai tổ máy ĐHN; tức hai lò phản ứng số 3 và 4 của Nhà máy ĐHN Takahama, thuộc quyền sở hữu và điều hành của tập đoàn này.
Điện hạt nhân vẫn là nguồn điện năng quan trọng tại Nhật Bản |
Trước đó, hai lò phản ứng số 1 và 2 thuộc Nhà máy ĐHN Sendai, miền Nam Nhật Bản đã được Tập đoàn Điện lực Kyushu (Kyushu EP) lần lượt được tái khởi động vào tháng 8 và tháng 10/2015, đánh dấu sự quay trở lại của ngành công nghiệp ĐHN Nhật Bản. Cả hai lò phản ứng hạt nhân này cho hoạt động trở lại theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt của Nhật Bản được nâng cấp sau sự cố lịch sử - thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 của Tập đoàn điện lực Tokyo Electric Power Co - gây nên bởi trận động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011.
Ông Yuji Takahashi, Công ty phát triển năng lượng quốc tế Nhật Bản (JINED) cho biết, tại Nhật Bản, từ năm 1970 đến năm 2000, các nhà máy ĐHN liên tục được xây dựng. Trước khi xảy ra sự cố Fukushima (năm 2011) có 54 tổ máy vận hành, công suất là 48GWe, chiếm khoảng 1/3 điện năng của Nhật Bản. Trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo theo việc tất cả lò phản ứng hạt nhân thương mại tại Nhật Bản bị ngừng hoạt động đến tháng 9/2013.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn coi năng lượng hạt nhân là nguồn điện năng chủ chốt trong chính sách năng lượng dài hạn và đang tìm cách thúc đẩy tái khởi động hơn 40 lò phản ứng hạt nhân thương mại khác. Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định, sự cần thiết của ĐHN trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm chống lại biến đổi khí hậu và đạt được nhiều lợi ích từ giá thành sản xuất điện thấp.
Cũng theo ông Yuji Takahashi, việc xây dựng nhà máy ĐHN đem lại lợi ích lớn cho các ngành công nghiệp, thương mại của địa phương cũng như về mặt tài chính. Chẳng hạn, xây dựng nhà máy ĐHN cần phải mua vật tư xây dựng và các vật dụng hàng ngày dùng cho những người thi công, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Khi bắt đầu khởi công xây dựng, sẽ cần một lực lượng lớn lao động của địa phương và sau khi xây dựng xong, có nhiều lao động của địa phương được tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy.
Xây dựng nhà máy ĐHN là một dự án lớn, từ khi chuẩn bị mặt bằng đến khi vận hành thử, hoàn thiện mất khoảng 10 năm. Theo đó, hạ tầng quanh vùng phụ cận và khu nhà ở cho nhân viên cũng được tiến hành xây dựng đồng thời. Vào lúc cao điểm có khoảng 3.000 người làm việc ở địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN.
“Đối với dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 mà Nhật Bản đã cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam, đây sẽ là nhà máy ĐHN có công nghệ an toàn đạt tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, đáp ứng các yêu cầu nêu trong Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam vào tháng 11/2009. Cụ thể, sẽ sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất và bảo đảm an toàn cao nhất cũng như đảm bảo tính kinh tế của dự án”, ông Yuji Takahashi nhấn mạnh.